Ảnh minh họa INT.
Giáo dục tài chính sẽ giúp tạo ra một thế hệ học sinh hiểu biết về tài chính, biết vận dụng hiệu quả kiến thức này vào cuộc sống để giúp ích cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia. Việt Nam đang hướng tới xây dựng quốc gia khởi nghiệp, việc đẩy mạnh giáo dục tài chính cho học sinh là yêu cầu cấp thiết, được Chính phủ và Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm.
Để góp phần thực hiện thành công Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, giáo dục tài chính cho học sinh trong nhà trường sớm được Bộ GD&ĐT triển khai khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Được tích hợp trong 6 môn học, gồm: Toán, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm, học sinh từ lớp 2 đến lớp 12 đã tiếp cận kiến thức cơ bản về tài chính với các mức độ khác nhau. Đây là điểm mới đáng ghi nhận so với chương trình cũ, thể hiện tầm nhìn của Chính phủ và Bộ GD&ĐT trong việc phát triển con người toàn diện.
Tuy được đưa vào chương trình và sách giáo khoa mới, nhưng đến nay, giáo dục tài chính trong nhà trường vẫn chưa thực sự hiệu quả. Việc dạy học vẫn nặng lý thuyết, các hoạt động thực hành khó triển khai vì hạn chế về nhân lực, kinh phí, thời gian. Giáo dục tài chính không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức cơ bản, mà cần hướng đến sự hiểu biết chuyên sâu về các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân như chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và quản lý rủi ro.
Để làm được điều này, giáo viên cần được trang bị kiến thức chuyên môn về tài chính. Thế nhưng hiện số đông thầy cô giáo các cấp còn hạn chế năng lực hiểu biết về lĩnh vực này, gây khó khăn trong việc giáo dục cho học sinh. Nhiều giáo viên cho biết, do thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm về tài chính nên chỉ bám sát sách giáo khoa một cách khô khan, bài giảng thiếu “lửa” nên hiệu quả giáo dục còn khiêm tốn.
Thực tế cho thấy để giáo dục cho học sinh hiểu biết vững vàng về tài chính, chỉ riêng vai trò nhà trường là chưa đủ. Cùng với nhà trường, rất cần sự phối hợp nhuần nhuyễn từ giáo dục gia đình và đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi chính phủ...
Kinh nghiệm từ Estonia, quốc gia đã hai lần đứng đầu kết quả đánh giá hiểu biết tài chính của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) cho thấy, bên cạnh vai trò nhà trường và gia đình, việc tham gia chung sức của các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ giảng dạy về kiến thức tài chính… có ý nghĩa quan trọng.
Các tổ chức này không chỉ mở những sân chơi, tổ chức buổi tọa đàm, thuyết trình giáo dục tài chính cho học sinh mà còn trợ giúp giáo viên về chuyên môn, để thầy cô tự tin tích hợp dạy học và liên hệ thực tế.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, một số tổ chức, doanh nghiệp cũng tích cực vào cuộc với nhà trường trong giáo dục tài chính. Các chương trình, dự án như Cha-Ching do Prudential Việt Nam tài trợ, chuỗi sự kiện “Booktour Thông minh Tài chính: “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” do Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Dự án Sách Nhà Mình tổ chức; Chương trình JA More than Money cho học sinh tiểu học, thư viện tài chính trực tuyến; Chương trình Giáo dục tài chính cho học sinh THPT (từ Quỹ Citi Foudation); Chương trình Giáo dục con trẻ về tài chính (từ ngân hàng Sacombank)… là những hoạt động thu hút học sinh.
Song vẫn chưa có nhiều chương trình hỗ trợ giáo viên nâng cao kiến thức tài chính. Do vậy, thầy cô đang rất cần sự tiếp “lửa” chuyên môn từ các tổ chức, doanh nghiệp... để dạy học tốt hơn phần kiến thức mới mẻ này.
Gia Khánh