Rút kinh nghiệm một vụ tịch thu vật chứng của vụ án

Rút kinh nghiệm một vụ tịch thu vật chứng của vụ án
2 giờ trướcBài gốc
Vừa qua, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án Đỗ Quốc C và các đồng phạm bị xét xử về tội xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông.
Tóm tắt nội dung vụ án
Theo hồ sơ, trong khoảng thời gian từ tháng 9-2022 đến ngày 31-12-2022 và từ tháng 2-2023 đến ngày 21-3-2023, theo yêu cầu của một người có tên “Lý Phòng (không xác định được nhân thân, lai lịch cụ thể), bị cáo Đỗ Quốc C đã bàn bạc thống nhất với 3 bị cáo khác sử dụng xe ô tô gắn các thiết bị giả trạm BTS để di chuyển trên các tuyến đường có mật độ dân cư đông ở các đô thị. Mục đích là để xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông Viettel, Mobifone nhằm phát tán các tin nhắn rác, gây mất sóng hoặc giảm chất lượng sóng mạng viễn thông của các thuê bao di động Viettel và Mobifone trong phạm vi phát sóng.
3 bị cáo được “Lý Phong" chi trả tiền thông qua bị cáo C, tổng cộng là hơn 194 triệu đồng.
Xử sơ thẩm, tòa tuyên bố C và 3 đồng phạm phạm tội xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông. Các bị cáo bị xử phạt từ 5 năm tù đến 5 năm 6 tháng tù.
Về xử lý vật chứng, tòa tịch thu, sung vào ngân sách Nhà nước ½ giá trị chiếc xe ô tô của 3 bị cáo đồng phạm và trả lại ½ giá trị chiếc xe ô tô nêu trên cho vợ các bị cáo.
Ngày 9-5-2024, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, đề nghị sửa án sơ thẩm về phần xử lý vật chứng theo hướng tịch thu sung công quỹ Nhà nước toàn bộ các xe ô tô nêu trên.
Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm
Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo C và 3 đồng phạm về tội xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm tuyên tịch thu ½ giá trị của các xe ô tô của 3 bị cáo là đồng phạm của C và tuyên trả lại ½ giá trị xe còn còn lại cho vợ của các bị cáo là không đúng quy định pháp luật. Bởi lẽ, trong vụ án này, các xe ô tô đã thu giữ là phương tiện dùng vào việc phạm tội, là vật chứng của vụ án nên phải tịch thu toàn bộ giá trị xe sung vào ngân sách nhà nước.
Cơ sở pháp lý là khoản 1 Điều 47 BLHS quy định việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với: “Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội" và khoản 2 Điều 106 BLTTHS quy định “Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy".
YẾN CHÂU
Nguồn PLO : https://plo.vn/rut-kinh-nghiem-mot-vu-tich-thu-vat-chung-cua-vu-an-post815450.html