Rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: Bước điều chỉnh cần thiết trong cải cách thể chế

Rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: Bước điều chỉnh cần thiết trong cải cách thể chế
8 giờ trướcBài gốc
Ngày 21/5 tới, Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua đề xuất rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV, tạo tiền đề cho cuộc bầu cử sớm khóa XVI.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Media Quốc hội
Trước đó, ngày 12/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình Quốc hội về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới đảm bảo đồng bộ, liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt..., Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 15/3/2026 là phù hợp với các yêu cầu thực tiễn.
Trong khi đó, Hiến pháp năm 2013 quy định nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm, tính từ kỳ họp đầu tiên của khóa này đến kỳ họp đầu tiên của khóa tiếp theo. Tuy nhiên, Điều 85 Hiến pháp cũng cho phép Quốc hội được rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ trong trường hợp đặc biệt, nếu có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu biểu quyết tán thành.
Đại hội Đảng toàn quốc thường diễn ra vào tháng 1, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương để lãnh đạo việc thực hiện nghị quyết. Ngay sau đó, Trung ương họp phiên đầu tiên để bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư.
Theo quy trình hiện nay, các chức danh lãnh đạo Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu nên thường được quyết định tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới vào tháng 7/2026.
Khi đó nhân sự đã được cơ cấu, giới thiệu cho bộ máy mới nhưng phải chờ đến 6 tháng sau Quốc hội họp mới được phê chuẩn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh
Trong thời gian đó, bộ máy lãnh đạo cấp cao của Đảng đã được cơ cấu nhưng bộ máy nhà nước vẫn do các lãnh đạo nhiệm kỳ cũ điều hành.
Mô hình chuyển tiếp này đang bộc lộ những bất cập. Ở các bộ, ngành thì sao? Có vị bộ trưởng, trưởng ngành không tái cử ủy viên trung ương Đảng nhưng vẫn tiếp tục điều hành vì chưa hết nhiệm kỳ.
Tương tự ở dưới địa phương, có những trường hợp không tái cử làm bí thư tỉnh ủy nhưng vẫn tiếp tục là chủ tịch HĐND cho đến khi hội đồng nhân dân nhiệm kỳ mới được bầu.
Thực tế này cho thấy, trong khi bộ máy cũ vẫn tại vị vì chưa hết nhiệm kỳ thì những nhân sự mới, bộ máy mới chưa thể bắt đầu vì thiếu tính chính danh.
Điều này gây ra tình trạng trì trệ, những quyết định quan trọng bị trì hoãn, thậm chí có người “né việc” tại một số cơ quan hành chính, nơi cán bộ chờ đợi người mới lên nắm quyền.
Trong các bài phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu cải cách phương thức lãnh đạo, làm rõ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời tinh giản các thủ tục hành chính mang tính hình thức, trùng lặp.
Trong bối cảnh đó, đề xuất rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, từ tháng 7/2026 xuống tháng 4/2026, được đánh giá là cần thiết và hợp lý. Theo phương án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ được tổ chức vào ngày 15/3/2026, và kỳ họp đầu tiên của khóa mới sẽ diễn ra đầu tháng 4/2026.
Việc điều chỉnh này không ảnh hưởng đến tính hợp hiến, hợp pháp của Quốc hội, mà còn đảm bảo sự đồng bộ trong chuyển giao quyền lực giữa Đảng và Nhà nước.
Quang Tuấn/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/rut-ngan-nhiem-ky-quoc-hoi-khoa-xv-buoc-dieu-chinh-can-thiet-trong-cai-cach-the-che-post1200634.vov