Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng 6.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Đánh giá cụ thể cơ sở nâng mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia
Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nhận định, các vấn đề, nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong dự thảo Luật là các vấn đề đã chín, đã rõ, cần thiết, cần tháo gỡ ngay để giải phóng nguồn lực đầu tư công.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà lưu ý, Chính phủ cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, lược bỏ các nội dung quy định thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, các địa phương.
ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đơn cử như nội dung luật hóa một số quy định của Nghị định 114/2021/NĐ - CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Nghị định 20/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 114/2021/NĐ - CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, để bảo đảm các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; tuân thủ đúng khoản 1, Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đó là Luật chỉ quy định những chính sách cơ bản, có tính nguyên tắc, còn các nội dung cụ thể hóa như trình tự, thủ tục, tiêu chí, tiêu chuẩn, kỹ thuật giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các bộ có liên quan quy định rõ ràng cụ thể.
Theo dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này, đã nâng tiêu chí vốn của dự án đầu tư công so với Luật hiện hành. ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho rằng, quy mô dự án như hiện hành đã được thực hiện từ năm 2015, đến nay, việc điều chỉnh tăng mức vốn đầu tư cho dự án là cần thiết.
ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Song cần đánh giá cụ thể, đưa ra cơ sở cho việc nâng mức vốn đầu tư của dự án để đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. Đồng thời, đánh giá tác động của chính sách đối với hệ thống các dự án đang triển khai và dựa vào sự phát triển của từng địa phương để xác định tiêu chí phù hợp, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị.
Cho rằng việc nâng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia lên đến 30.000 tỷ đồng, nhưng các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C vẫn ở mức cũ, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị cần điều chỉnh lại cho phù hợp, nhất là điều chỉnh biên độ dự án nhóm B, nhóm C đang có biên độ rất cao (từ 240 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng). Việc điều chỉnh biên độ giữa tối thiểu và tối đa sẽ phù hợp với tính chất nhóm B và nhóm C hơn, từ đó áp dụng quy trình, thủ tục phù hợp, tránh trường hợp dự án nhỏ cũng phải bảo đảm quy trình, thủ tục phức tạp.
ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Tại Khoản 3, Điều 12, dự thảo Luật quy định việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công được thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp quản lý đầu tư công liên quan đến tiêu chí phân loại dự án đầu tư công hoặc xuất hiện các yếu tố quan trọng khác tác động tới tiêu chí phân loại dự án đầu tư công.
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đề nghị làm rõ chỉ số giá ở đây là chỉ số giá nào? Đồng thời đề nghị cụ thể mức biến động là bao nhiêu, ví dụ quá 10% hay 15% để xác định là biến động lớn cần điều chỉnh?
Bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan
ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đánh giá cao dự thảo Luật trình đã hiện thực hóa được những chủ trương nêu tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm liên quan đến tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao cho "địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm".
Việc dự thảo Luật bổ sung một số quy định mới như: Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; sử dụng các nguồn vốn ngoài vốn đầu tư công cho công tác chuẩn bị đầu tư, phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công… sẽ góp phần rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án đầu tư công.
ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Khẳng định điểm mới nêu trên, song đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, quy định về quy trình, thủ tục thực hiện đầu tư dự án công cần được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án.
Lý lẽ, theo đại biểu Trần Chí Cường, là bởi thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau, như đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy…
Theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian. Một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác.
“Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên (tùy theo loại dự án nhóm A, B hay C) sẽ kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày mới khởi công xây dựng, tức là phải hơn 8 tháng kể từ lúc HĐND thông qua mới thực hiện. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan”, đại biểu Trần Chí Cường nói.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan, tương tự như quy định ở Điều 36a bổ sung trong Luật Đầu tư quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt trình Quốc hội trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Dự thảo Luật cũng quy định thời gian bố trí vốn đối với dự án nhóm A là 6 năm, nhóm B là 4 năm và nhóm C là 3 năm không thay đổi so với quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành.
“Với thời gian thực hiện quy trình, thủ tục như trên thì việc thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 89, Luật Đầu tư công hiện hành về hạn mức đối với phần vốn của các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại chuyển tiếp sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không được vượt quá 20% là việc bất khả thi”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Chí Cường cũng kiến nghị xem xét nâng hạn mức phần vốn chuyển tiếp của kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 50% trên cơ sở căn cứ định hướng, chiến lược phát triển, dự kiến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của trung ương và địa phương khi phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Hoàng Ngọc