Sa mạc Sahara là một trong những nơi khắc nghiệt nhất trên Trái đất. (Nguồn: FLI Science)
Theo nghiên cứu trên, trong khoảng thời gian từ khoảng 14.500-5.000 năm trước, nơi đây là một thảo nguyên xanh tươi, với nguồn nước dồi dào và tràn ngập sự sống. DNA thu được từ hài cốt của hai cá thể sống cách đây khoảng 7.000 năm tại nơi hiện là Libya cho thấy, sa mạc Sahara từng là nơi sinh sống của một dòng dõi bí ẩn, những người sống tách biệt với thế giới bên ngoài.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích bộ gene đầu tiên của những người sống ở "sa mạc Sahara xanh tươi". Họ lấy DNA từ xương của hai người phụ nữ được chôn cất tại một nơi trú ẩn bằng đá có tên Takarkori ở phía Tây Nam xa xôi của Libya. Những người này được ướp xác tự nhiên, đại diện cho hài cốt người được ướp xác lâu đời nhất được biết đến.
Nhà khảo cổ học Johannes Krause thuộc Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck (Đức), một trong những tác giả của nghiên cứu, khẳng định, "vào thời điểm đó, Takarkori là thảo nguyên xanh tươi với một hồ nước gần đó, không giống như cảnh quan sa mạc khô cằn ngày nay".
Bộ gene cho thấy, những cá thể Takarkori là một phần của dòng dõi con người riêng biệt và chưa được xác định trước đó, sống tách biệt với các quần thể cận Sahara và Á-Âu trong hàng nghìn năm.
"Điều thú vị là người Takarkori không cho thấy ảnh hưởng di truyền đáng kể nào từ các quần thể cận Sahara ở phía Nam hoặc Cận Đông và các nhóm châu Âu thời tiền sử ở phía Bắc. Họ vẫn bị cô lập về mặt di truyền mặc dù thực hành chăn nuôi - một sáng kiến văn hóa có nguồn gốc bên ngoài châu Phi", ông Krause nhấn mạnh.
Bằng chứng khảo cổ học cũng chỉ ra rằng những người này chăn thả gia súc đã thuần hóa. Các hiện vật được tìm thấy bao gồm những công cụ làm bằng đá, gỗ và xương động vật, đồ gốm, giỏ đan và tượng nhỏ chạm khắc.
Xác ướp của những người sống ở "sa mạc Sahara xanh tươi". (Nguồn: Science Alert)
Tổ tiên của hai cá thể Takarkori được phát hiện có nguồn gốc từ dòng dõi Bắc Phi tách khỏi quần thể cận Sahara khoảng 50.000 năm trước. Điều đó trùng hợp với thời điểm các dòng dõi con người khác lan rộng ra ngoài lục địa và vào Trung Đông, châu Âu và châu Á - trở thành tổ tiên của tất cả mọi người bên ngoài châu Phi.
"Dòng dõi Takarkori có thể đại diện cho tàn dư của sự đa dạng di truyền có ở Bắc Phi từ 50.000-20.000 năm trước", nhà nghiên cứu chỉ rõ.
Dòng dõi của nhóm người này vẫn biệt lập trong suốt phần lớn thời gian tồn tại, trước khi Sahara trở nên khô cằn hơn. Khoảng năm 3.000 trước Công nguyên, vào cuối Thời kỳ ẩm ướt châu Phi, Sahara đã biến thành sa mạc nóng lớn nhất thế giới.
Theo ông Krause, mặc dù bản thân quần thể Takarkori đã biến mất vào khoảng 5.000 năm trước khi Thời kỳ ẩm ướt châu Phi kết thúc và sa mạc quay trở lại song dấu vết tổ tiên của họ vẫn tồn tại trong nhiều nhóm người Bắc Phi ngày nay.
"Di sản di truyền của họ mang đến một góc nhìn mới về lịch sử sâu xa của khu vực này", nhà khảo cổ học chia sẻ.
(theo Reuters)
Ngọc Anh