'Sa Pa, Hạ Long, Đà Lạt không cần phải là cấp huyện mới giữ được tên tuổi'

'Sa Pa, Hạ Long, Đà Lạt không cần phải là cấp huyện mới giữ được tên tuổi'
9 giờ trướcBài gốc
Theo Nghị quyết số 60 Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, cả nước sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện (ĐVHC) từ ngày 1/7 tới.
Theo đó, 696 ĐVHC cấp huyện sẽ chấm dứt thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn. Đồng thời, 10.035 ĐVHC cấp xã hiện nay sẽ được tổ chức lại, chỉ còn khoảng 3.000 xã.
Điều này đồng nghĩa với việc nhiều địa danh quen thuộc, gắn liền với dấu ấn lịch sử, văn hóa của từng vùng đất, thậm chí đã trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, sẽ không còn hiện diện trên bản đồ hành chính cấp huyện.
Đặc biệt, trong số 696 đơn vị bị giải thể có tới 85 thành phố trực thuộc tỉnh, đều là những cái tên nổi tiếng như Sa Pa, Hạ Long, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu...
TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng không còn là một đơn vị hành chính cấp huyện sau ngày 1/7. Ảnh: Hoàng Hà
Không ít người băn khoăn nếu những địa danh như Sa Pa, Đà Lạt... không còn có mặt trên bản đồ hành chính, du khách sẽ tìm đến những nơi chốn thân quen như thế nào, việc không còn tên trên bản đồ hành chính liệu có ảnh hưởng đến vấn đề gìn giữ lịch sử, văn hóa, ký ức về một vùng đất hay không.
Những địa danh lâu đời sẽ tiếp tục sống trong đời sống người dân
Trước những băn khoăn này, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng vẫn có nhiều cách để gìn giữ ký ức lịch sử của một vùng đất. Ông dẫn chứng một số địa danh, làng xã nổi tiếng hiện đã không còn tên trên bản đồ hành chính, nhưng trong đời sống hằng ngày, người dân vẫn gọi, vẫn ghi nhớ và sử dụng những tên gọi đó.
“Ví dụ ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng có xã Cổ Am, nổi tiếng là vùng đất hiếu học, nhiều người làm quan. Sau các đợt sáp nhập trước, xã Cổ Am không còn tên, và lần này, nó lại thuộc một ĐVHC cấp xã mang tên khác. Tuy nhiên, người dân ở Vĩnh Bảo vẫn biết và vẫn gọi khu vực đó là Cổ Am.
Hay như làng Hành Thiện thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Sau sáp nhập, huyện Xuân Trường sẽ không còn, thay vào đó là các xã Xuân Trường 1, Xuân Trường 2… Nhưng Hành Thiện vẫn nằm trong đó, và ai cũng biết, vẫn gọi đúng cái tên ấy”.
Theo ông, những địa danh mang đậm yếu tố lịch sử, văn hóa, đã gắn bó lâu đời với cộng đồng sẽ không dễ mất đi, cho dù không còn tồn tại về mặt hành chính.
Đồng tình với quan điểm này, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhấn mạnh, đơn vị hành chính và địa danh là 2 khái niệm khác nhau.
“Sa Pa không cần phải là một huyện hay thị xã thì mới giữ được tên tuổi Sa Pa. Những địa danh đã tồn tại lâu đời sẽ tiếp tục sống trong đời sống người dân, bất kể có là đơn vị hành chính hay không”, ông khẳng định.
Đánh số tên xã, phường là thiếu chiều sâu văn hóa, lịch sử
Bên cạnh đó, GS Giang cho rằng việc đặt tên xã mới theo tên huyện, thành phố cũ và đánh số như Đà Lạt 1, Đà Lạt 2… cũng là một ý tưởng hay để giữ lại tên địa danh nổi tiếng.
Tuy nhiên, GS Ngọc lại cho rằng cách làm này tuy có thể chấp nhận được nhưng chưa thực sự hay. “Việc đặt tên ĐVHC mới bằng cách lấy tên địa danh, cấp huyện cũ rồi đánh số là một phương án đơn điệu, thiếu chiều sâu văn hóa và lịch sử”.
Ông đề xuất chọn tên địa danh nổi bật nhất của vùng để đặt cho xã, phường mới ở khu vực trung tâm của địa danh đó. Các khu vực khác nên được đặt tên dựa trên yếu tố lịch sử, văn hóa đặc trưng riêng.
Nếu bắt buộc phải đánh số, thì nên đặt số 1 cho khu vực trung tâm, ví dụ khu vực trung tâm Sa Pa cũ là Sa Pa 1, các khu vực lân cận là Sa Pa 2, Sa Pa 3… để đảm bảo tính logic, tránh gây nhầm lẫn trong việc tra cứu địa chỉ.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Cần xây dựng một bản đồ du lịch độc lập với bản đồ hành chính. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội
Ngoài ra, GS Ngọc nhấn mạnh cần xây dựng một bản đồ du lịch độc lập với bản đồ hành chính. “Bản đồ hành chính dùng để quản lý đất đai, dân cư. Còn bản đồ du lịch là để tôn vinh những địa danh đã đi sâu vào tiềm thức, văn hóa của người dân”, ông nói.
Về phần mình, GS Giang đề xuất: Ở góc độ nghiên cứu, nên có những công trình ghi chép lại các địa danh Việt Nam qua các thời kỳ, như một cách lưu giữ ký ức lịch sử.
“Lịch sử không chỉ là những gì đã xảy ra, mà còn là cơ sở để nhận diện và dự báo tương lai. Với những gì đang diễn ra, tôi tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến một sự chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới”.
GS Ngọc cũng nhấn mạnh rằng đợt sắp xếp lại đơn vị hành chính lần này khác hẳn với các đợt chia tách hay sáp nhập trước đó.
“Lần này, không chỉ là thay đổi về địa giới, mà là một sự thay đổi triệt để, toàn diện cả về bộ máy chính trị”.
Về việc đặt tên cho các ĐVHC cấp xã mới, Nghị quyết sắp xếp ĐVHC của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khuyến khích lựa chọn theo 2 cách. Một là đặt theo tên của một trong các ĐVHC trước sắp xếp. Hai là đặt theo tên của ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự.
Tên của ĐVHC cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ.
Nguyễn Thảo
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/sa-pa-ha-long-da-lat-khong-can-phai-la-cap-huyen-moi-giu-duoc-ten-tuoi-2393557.html