Cây đặc hữu từ rừng sâu
Tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức tại Sơn La chiều 1/7, ông Bùi Huy Phương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lai Châu cho biết, sâm Lai Châu là loài thực vật đặc hữu, chỉ mọc ở độ cao 1.500–2.000m tại các vùng Mường Tè, Sìn Hồ, Tam Đường.
Loài cây này từng được người dân tộc Dao, Mông gọi là “tam thất đen”, đến năm 2015 mới được định danh khoa học và đặt tên chính thức là sâm Lai Châu.
Sâm Lai Châu – cây dược liệu quý mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào vùng cao. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Theo ông Phương, sâm Lai Châu có hàm lượng saponin rất cao, chứa nhiều axit amin, khoáng chất và các hoạt chất sinh học quý. Nghiên cứu bước đầu cho thấy loại sâm này có khả năng chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ điều trị ung thư, bảo vệ tế bào thần kinh, điều hòa nội tiết tố và tăng cường hệ miễn dịch.
“Sâm Lai Châu từng được ví là cây ‘đổi được một tấn thóc’. Nếu được đầu tư bài bản, đây có thể trở thành ngành hàng kinh tế mũi nhọn của địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ rừng đầu nguồn”, ông Phương nhấn mạnh.
Hiện tỉnh Lai Châu đã trồng khoảng 130 ha sâm, quản lý hơn 400.000 cây, tất cả đều được cấp mã định danh vùng trồng. Sau 7 năm, một hecta sâm có thể mang lại giá trị kinh tế từ 15–16 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh mở rộng diện tích lên 3.000 ha, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế như GACP-WHO, JAS (hai tiêu chuẩn trong ngành dược liệu, liên quan đến việc đảm bảo chất lượng và an toàn của dược liệu) và từng bước xây dựng nhà máy chế biến sâu.
Giá trị cao khiến sâm Lai Châu trở thành mục tiêu bị làm giả. Từ năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 40 vụ vi phạm, thu giữ gần 1 tấn sâm không rõ nguồn gốc, trong đó có 300 kg liên quan đến các vụ án hình sự.
“Một số đối tượng nhập sâm ngoại, dán nhãn sâm Lai Châu để bán giá cao. Việc này không chỉ gây tổn thất kinh tế mà còn làm mất niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến thương hiệu quốc gia”, ông Phương cảnh báo.
Sâm giả thường có hình dáng tương tự nhưng hàm lượng hoạt chất thấp, không được kiểm nghiệm, thậm chí có thể gây hại sức khỏe nếu sử dụng lâu dài. Trong khi đó, người tiêu dùng rất khó phân biệt bằng mắt thường.
Trước thực trạng đó, Lai Châu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: xây dựng vùng trồng tập trung, bảo tồn nguồn gen, nhân giống bằng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Tỉnh cũng ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu “Sâm Lai Châu” để kiểm soát thị trường và chống hàng giả.
Trồng sâm Lai Châu gắn với bảo vệ rừng và sinh kế
Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến – Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đánh giá, sâm Lai Châu là cây dược liệu bản địa có giá trị cao, phù hợp phát triển dưới tán rừng vùng Tây Bắc. Việc này không chỉ giúp giữ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học mà còn mở ra sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Việt Nam mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu trong nước về cây dược liệu. Ảnh: NNVN.
“Chúng tôi đang hợp tác với Nhật Bản để triển khai mô hình trồng sâm công nghệ cao. Kết quả ban đầu cho thấy năng suất có thể nâng từ 300kg/ha hiện nay lên 2–3 tấn/ha, nếu kiểm soát tốt điều kiện khí hậu và giống cây”, ông Tuyến cho biết.
Theo ông, thị trường dược liệu thế giới sẽ đạt 430 tỷ USD vào năm 2028, trong khi Việt Nam mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu trong nước và chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô. Để nâng cao giá trị, cần đầu tư bài bản vào công nghệ trồng, chế biến và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sâm bản địa như Lai Châu và Ngọc Linh.
Ông Tuyến đề xuất, Nhà nước cần coi phát triển dược liệu dưới tán rừng là ngành hàng chiến lược, với sự tham gia của ‘4 nhà’: nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Đây là cơ hội vàng để gắn nông nghiệp với bảo vệ rừng và phát triển kinh tế vùng cao. Nếu được định hướng đúng, đây sẽ là sản phẩm quốc gia góp phần nâng tầm thương hiệu Việt trên bản đồ dược liệu thế giới.
Vũ Điệp