Sân bay Gia Bình được xác định có cấp sân bay 4E theo phân loại quốc tế. Quy mô diện tích quy hoạch dự kiến đạt 1.960ha, đưa Gia Bình trở thành sân bay có diện tích lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 120.839 tỷ đồng. Trong giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, nguồn vốn bổ sung ước tính khoảng 61.455 tỷ đồng.
Song song với việc phát triển sân bay Gia Bình, Bộ Xây dựng cũng điều chỉnh giảm quy mô công suất của sân bay Nội Bài (Hà Nội) xuống còn khoảng 30 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và 50 triệu hành khách/năm vào năm 2050.
Diện tích quy hoạch đất của Nội Bài được giữ ở mức khoảng 1.500ha. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2021 - 2030, sân bay này không nằm trong kế hoạch đầu tư mới. Tuy nhiên, đến năm 2050, dự kiến sẽ cần khoảng 9.982 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục theo quy hoạch.
Trước đó, vào tháng 2/2025, Bộ Xây dựng đã chính thức phê duyệt việc bổ sung sân bay Gia Bình vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không quốc gia. Ban đầu, công suất sân bay chỉ dự kiến đạt khoảng 1 triệu hành khách/năm giai đoạn 2021 - 2030 và khoảng 3 triệu hành khách/năm vào năm 2050.
Tới tháng 4 năm 2025, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an và UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ Xây dựng đã tiếp tục điều chỉnh quy hoạch sân bay này, nâng công suất thiết kế lên khoảng 5 triệu hành khách/năm đến năm 2030 và 15 triệu hành khách/năm đến năm 2050. Cùng với đó, diện tích đất quy hoạch được mở rộng lên khoảng 408,5ha, thay vì 363,5ha như trong kế hoạch trước đó.
Tương ứng với việc điều chỉnh tăng công suất của Gia Bình, công suất thiết kế của sân bay Nội Bài cũng được điều chỉnh giảm.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, công suất của Nội Bài được điều chỉnh từ 60 triệu khách/năm xuống còn khoảng 55 triệu khách/năm. Đến năm 2050, công suất mục tiêu giảm từ 100 triệu xuống còn khoảng 85 triệu khách/năm so với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6 năm 2023.
Việc điều chỉnh quy hoạch, mở rộng và tăng công suất cho Cảng hàng không quốc tế Gia Bình không chỉ góp phần tái cân bằng lưu lượng hàng không giữa các vùng thủ đô và lân cận, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Bắc Ninh nói riêng và vùng Thủ đô nói chung, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của quốc gia đến năm 2050.
TH