Sân bay ở châu Âu bắt đầu triển khai nhiên liệu hàng không bền vững

Sân bay ở châu Âu bắt đầu triển khai nhiên liệu hàng không bền vững
5 giờ trướcBài gốc
Nhiên liệu SAF được cung cấp cho một báy bay của hãng hàng không Emirates khởi hành từ sân bay Schiphol ở Amsterdam, Hà Lan
Chuyến bay khởi hành từ châu Âu phải sử dụng SAF
Theo quy định mới, kể từ ngày 1-1, hơn 350 sân bay ở EU và Anh phải cung cấp nhiên liệu hàng không pha trộn SAF với tỷ lệ 2% cho chuyến bay khởi hành từ các sân bay ở EU và Anh. Tỷ lệ trộn sẽ tăng lên 10 % tại Anh và 6 % tại EU vào năm 2030. Đến năm 2050, tỷ lệ SAF trong nhiêu liệu hàng không ở các sân bay ở EU sẽ tăng lên 70%.
Quy định này đánh dấu một giai đoạn mới của quá trình chuyển đổi năng lượng khi các chính phủ siết chặt quản lý khí thải nhà kính của ngành hàng không để đáp ứng các mục tiêu khử carbon đang đến gần. Giá của các chứng chỉ phát thải carbon cũng dự kiến sẽ tăng trong những năm tới, khiến việc gây ô nhiễm trở nên tốn kém hơn.
Quy định sử dụng SAF được thực hiện ở châu Âu trong thời điểm nhạy cảm đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, với sự ủng hộ cho các mục tiêu phát thải ròng bằng zero (Net-Zero) đang xói mòn ở nhiều quốc gia.
Trong ngành hàng không, nhiên liệu bền vững phức tạp và tốn kém hơn để sản xuất so với nhiên liệu hóa thạch, do vậy, kìm hãm cung và cầu. Các nhà hoạch định chính sách hy vọng rằng, động thái ép cầu thông qua quy định quản lý sẽ phá vỡ động lực đó.
“Các quy định bắt buộc mang lại sự tự tin cho nhà đầu tư và cơ hội thị trường rõ ràng. Đó là động lực thúc đẩy việc cung cấp một sản phẩm hoàn toàn mới về cơ bản cho thị trường nhiên liệu hàng không”, Eirik Pitkethly, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý về năng lượng sinh học của tập đoàn dầu khí BP nói.
Tuy nhiên, triển vọng nguồn cung SAF vẫn ảm đạm. Năm ngoái, một số dự án sản xuất SAF bị hủy bỏ hoặc tạm dừng do chi phí cao hoặc thiếu nguồn cung nguyên liệu thô. Đơn củ như, tập đoàn dầu khí Shell đã tạm dừng xây dựng một nhà máy nhiên liệu sinh học theo kế hoạch ở Rotterdam (Hà Lan) tháng 7-2024, với lý do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Tổng thể, có gần 2 triệu tấn công suất sản xuất SAF hàng năm đã bị hủy bỏ hoặc tạm dừng trong năm 2024, theo phân tích của hãng tư vấn Wood Mackenzie.
“Những lý do được nêu ra là điều kiện thị trường đầy thách thức, thiếu nguồn cung nguyên liệu bền vững có giá cả cạnh tranh và các ưu tiên chiến lược thay đổi”, Ozzy Jegunma, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của Wood Mackenzie lưu ý.
Công ty tư vấn này ước tính, giá SAF làm từ dầu ăn đã qua sử dụng ở Tây Bắc Âu vào năm 2030 vẫn sẽ cao gấp 3 lần so với nhiên liệu phản lực truyền thống.
Quy định của EU và Anh yêu cầu sau năm 2030, các nhà cung nhiên liệu hàng không phải tăng cường sử dụng nhiên liệu tổng hợp để giảm áp lực lên nguyên liệu làm nhiên liệu sinh học, chẳng hạn như dầu ăn.
Ví dụ, có thể tạo ra nhiên liệu tổng hợp bằng cách kết hợp carbon với hydro được sản xuất bằng điện xanh (năng lượng tái tạo). Tuy nhiên, quy trình sản xuất này sẽ phức tạp và tốn kém. Shell và tập đoàn năng lượng Uniper của Đức đều đã rút khỏi các dự án nhiên liệu tổng hợp ở Thụy Điển vào năm ngoái.
Giá vé máy bay sẽ tăng?
Monika Rybakowska, giám đốc chính sách tại tổ chức hàng không EU Airlines for Europe lưu ý, đây là “năm học hỏi” để thích nghi với SAF của ngành công nghiệp hàng không. Nhưng bà cũng lo ngại rằng, giá vé máy bay sẽ tăng khi chi phí tuân thủ các quy định về SAF được chuyển sang hành khách.
“Mục đích của SAF không phải là làm cho việc bay trở nên đắt đỏ hơn mà là là khử carbon cho việc bay”, bà nói.
Phân tích của chính phủ Anh cho thấy, quy định mới thể đẩy giá vé một chiều trung bình lên cao hơn 9,40 bảng vào năm 2040.
Giá vé có thể tăng thêm 37,8 bảng nếu không có đủ SAF. Trong trường hợp đó, chính phủ có thể xem xét lại ngay lập tức quy định về tuân thủ ASF để ngăn chặn việc giá vé tăng đáng kể.
Nhiên liệu xanh trên toàn cầu vẫn đang thiếu hụt với lượng sản xuất vào năm 2024 chỉ tương đương 0,3 % tổng nhu cầu nhiên liệu của các hãng hàng không.
Năm nay, sản lượng SAF dự kiến chiếm 0,7 % nguồn cung nhiêu liệu hàng không. Sản lượng SAF ít ỏi cho thấy chặng đường dài và khó khăn phía trước đối với các hãng hàng không nếu họ muốn đạt được mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.
Theo phân tích của Hiệp hội vận tải hành không quốc tế (IATA) cho thấy, cần phải có từ 3.000 đến 6.500 nhà máy sản xuất SAF để giúp ngành hàng không đạt mục tiêu Net-Zero, với chi phí khoảng 128 tỉ đô la mỗi năm.
Tim Alderslade, CEO của tổ chức vận động hành lang Airlines UK ở Anh lập luận rằng, nếu có các chính sách phù hợp, tác động của quy định về SAF đối với giá vé máy bay của hành khách có thể được giảm thiểu đến mức tối đa.
Chính phủ Anh đã phải bắt đầu điều chỉnh các chính sách buộc các hãng xe phải sản xuất một số lượng xe điện nhất định sau khi họ phàn nàn rằng yêu cầu này quá khó để tuân thủ.
Theo Financial Times
Khánh Lan
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/san-bay-o-chau-au-bat-dau-trien-khai-nhien-lieu-hang-khong-ben-vung/