Chương trình do Đường Sách phối hợp với Nhà Thiếu nhi TP Thủ Đức tổ chức. Với nhiều tiết mục văn nghệ, kịch thiếu nhi, múa, kể chuyện… được dàn dựng sinh động, chương trình không chỉ mang đến niềm vui, tiếng cười mà còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, khơi gợi trí tưởng tượng và tình yêu nghệ thuật trong các em.
Nhiều bậc phụ huynh bày tỏ vui mừng khi lâu lắm rồi mới lại có một sân chơi bổ ích, lý thú giữa đời sống đô thị hiện đại, để con em mình xa rời máy tính, tivi, hòa mình vào không gian văn hóa gần gũi và đầy sáng tạo. Với hình thức biểu diễn mở, trên sân khấu Măng Non các em thoải mái thể hiện năng khiếu nghệ thuật, được đắm mình trọn vẹn trong sự hồn nhiên, tươi trẻ và nhiệt huyết của tuổi thơ.
Đặc biệt, các chủ đề được những người làm chương trình thay đổi hàng tuần, tạo sự mới mẻ, khơi gợi tò mò và khuyến khích tinh thần ham học hỏi. Đúng là một sân chơi hiếm hoi trong lòng đô thị. Trước đây, ở Hà Nội, Cung Văn hóa Thiếu nhi từng là một trong những địa chỉ dành riêng cho trẻ em được đầu tư bài bản. Thế nhưng đến nay, đô thị phát triển, nhà cao tầng mọc lên như nấm, thế nhưng những thiết chế văn hóa tương tự ngày càng trở nên thưa vắng, không đủ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và phát triển năng khiếu của trẻ.
Nghỉ hè, đa phần các em nhỏ chỉ có thể làm bạn với điện thoại, máy tính. Không gian đô thị chật chội, nhịp sống vội vàng, cộng với sự thiếu vắng đầu tư cho các hoạt động văn hóa - giáo dục cộng đồng, đã khiến trẻ ngày càng xa rời những sân chơi lành mạnh. Đây là điều thực sự đáng báo động, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn tác động đến quá trình hình thành nhân cách, kỹ năng sống, sự đồng cảm và phát triển cảm xúc xã hội của trẻ.
Nhiều em nhỏ lớn lên thiếu hụt tiếng cười sân trường, thiếu những buổi chạy nhảy ở sân chơi tập thể, thiếu kỹ năng cộng đồng, thiếu cả cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp… Chính điều đó vô tình đẩy các em vào thế giới ảo - nơi tưởng chừng sôi động nhưng lại đầy cô đơn, tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực về tâm lý. Bởi các mối quan hệ không có chiều sâu, khi trẻ chỉ giao tiếp trên môi trường ảo sẽ gặp khó khăn trong tương tác trực tiếp, dẫn đến thiếu tự tin, lúng túng hoặc thờ ơ với cảm xúc thật.
Chính vì thế, sự xuất hiện và duy trì của những sân khấu như Măng Non không chỉ mang ý nghĩa giải trí, mà còn góp phần lấp đầy khoảng trống trong đời sống văn hóa đô thị hiện đại, giúp trẻ em phát triển toàn diện hơn cả về trí tuệ lẫn tâm hồn. Đây cũng là một cách giúp các em giảm bớt sự lệ thuộc vào điện thoại, máy tính - những phương tiện giải trí tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tác động tiêu cực mà cha mẹ khó lòng kiểm soát.
Mai Hoa