Sân khấu xứ Trầm: 50 năm sáng đèn phục vụ khán giả

Sân khấu xứ Trầm: 50 năm sáng đèn phục vụ khán giả
10 giờ trướcBài gốc
Sân khấu tuồng và dân ca kịch bài chòi ở Khánh Hòa có lịch sử hình thành, phát triển từ lâu, nhưng phải đến sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mới có sự tổ chức bài bản, quy mô và chuyên nghiệp. 50 năm qua, các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên sân khấu xứ Trầm đã luôn nỗ lực cống hiến để phục vụ khán giả.
Dấu ấn một thời
Ngay sau ngày đất nước giải phóng, nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức đã cùng với anh em nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Đoàn Dân ca kịch giải phóng khu Trung - Trung Bộ có mặt tại TP. Nha Trang. Đây là đoàn kịch hát bài chòi tập hợp những người được đào tạo ở hậu phương lớn miền Bắc vào biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở vùng miền núi tỉnh Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên, sau đó theo bước chân của đoàn quân giải phóng xuống Khánh Hòa. “Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ở tỉnh Khánh Hòa đã sớm thành lập 2 đoàn nghệ thuật tuồng, được tập hợp từ một số đoàn hát tư nhân và chuyển mô hình sang hoạt động tập thể. Cùng với đoàn dân ca kịch của chúng tôi từ chiến trường đến, nghệ thuật sân khấu ở tỉnh Khánh Hòa đã có đầy đủ cả tuồng và bài chòi - hai loại hình được người dân ở đây yêu thích nhất. Các đoàn nghệ thuật liên tục đi biểu diễn phục vụ khán giả ở khắp các địa phương trong tỉnh, lưu diễn dài ngày ở các tỉnh trong cả nước”, nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức cho biết.
Nghệ sĩ đoàn tuồng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh diễn vở tuồng lịch sử “Đô đốc Bùi Thị Xuân”.
Năm 1986, Nhà hát Tuồng Phú Khánh được thành lập, trên cơ sở 2 đoàn tuồng được hình thành sau ngày giải phóng, cùng một số bộ phận chức năng khác. Việc ra đời nhà hát đánh dấu chặng đường phát triển mới của nghệ thuật sân khấu ở Khánh Hòa khi vừa biểu diễn phục vụ khán giả, vừa nghiên cứu, bảo tồn vốn nghệ thuật sân khấu truyền thống tuồng nhằm khai thác, kế thừa, phát triển loại hình nghệ thuật này. Đến cuối năm 1989, khi tách tỉnh Phú Khánh, một bộ phận của nhà hát được chuyển về tỉnh Phú Yên và Nhà hát Tuồng Phú Khánh được đổi tên thành Nhà hát Tuồng Khánh Hòa. Như vậy, ở Khánh Hòa đến thời điểm này vẫn duy trì được Nhà hát Tuồng và Đoàn Dân ca kịch do Nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, còn có một số đoàn hát tư nhân cùng hoạt động. Nhắc lại sân khấu Khánh Hòa một thời, nhiều người vẫn còn nhớ về những đêm diễn chật kín khán giả. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về điều kiện vật chất, nhưng các đoàn nghệ thuật của tỉnh vẫn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự yêu mến của khán giả. Chính vì thế, các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công thời bấy giờ toàn tâm, toàn ý phục vụ khán giả. Để đến hôm nay, nhiều người vẫn còn nhớ mặt gọi tên những nghệ sĩ như: Hoàng Thủ, Trần Thị Thời, Bích Liên, Quang Hạnh, Nguyễn Đình Ảnh, Nguyễn Ngọc Châu, Minh Tâm, Dũng Tiến, Thu Hà, Võ Thanh Hoa, Bạch Én, Thanh Bình, Nguyễn Hữu Hùng, Lưu Kim Hùng, Trần Nhật Lệ, Linh Nhâm, Bích Thủy, Bích Vương…
Năm 2002, để thuận lợi cho công tác nghiên cứu, tổ chức biểu diễn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh được thành lập, trên cơ sở hợp nhất Nhà hát Tuồng với Đoàn Dân ca kịch tỉnh và duy trì hoạt động đến hôm nay.
Tiếp bước những chặng đường phát triển
Có thể thấy, trong chặng đường 50 năm, sân khấu Khánh Hòa tuy có nhiều thay đổi về mặt tổ chức nhưng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển văn học nghệ thuật chung của tỉnh. Hàng trăm vở diễn đã được dàn dựng, các đoàn nghệ thuật sân khấu của tỉnh không ngại khó khăn, liên tục tổ chức các buổi diễn nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, nhất là ở vùng hải đảo, miền núi xa xôi. Nhiều vở diễn đã đạt được giải thưởng cao trong các liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; nhiều nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đạt huy chương qua các mùa liên hoan, hội diễn. Đến nay, nghệ thuật sân khấu tỉnh Khánh Hòa đã có 2 nghệ sĩ được phong tặng, truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; 5 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 14 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Nghệ sĩ đoàn tuồng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh diễn vở tuồng lịch sử “Đô đốc Bùi Thị Xuân”.
Song song với công tác dàn dựng, biểu diễn, hoạt động nghiên cứu, sáng tác kịch bản sân khấu cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Có thể kể đến đóng góp của nhà nghiên cứu nghệ thuật truyền thống kiêm tác giả kịch bản Mịch Quang, các nhà viết kịch: Nguyễn Sỹ Chức, Lê Nhị Hà, Nguyễn Thế Khoa... Bên cạnh đó, lớp nghệ sĩ sau này của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cũng dần khẳng định được tài năng của mình như: Thúy Thoa, Thúy Thỏa, Văn Soái, Sơn Hà, Thanh Phương…
Theo họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hiện Chi hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có hơn 70 hội viên, trong đó hơn 40 người là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Trong suốt chặng đường xây dựng, phát triển 50 năm qua, nghệ thuật sân khấu luôn có những gương mặt cá nhân nghệ sĩ nổi bật, những vở diễn xuất sắc. Từ hoạt động lao động sáng tạo nghiêm túc, cần mẫn của những người làm công tác sân khấu đã góp phần quan trọng trong hoạt động chung của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các nghệ sĩ, diễn viên phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng hoạt động hội để hội viên chuyên ngành sân khấu có những đóng góp, cống hiến nhiều hơn. Đồng thời, tham mưu với lãnh đạo tỉnh kịp thời có những chính sách nhằm quan tâm, hỗ trợ nghệ sĩ, diễn viên gắn bó với nghề.
GIANG ĐÌNH
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202504/san-khau-xu-tram-50-nam-sang-den-phuc-vu-khan-gia-d576b3f/