Trường THPT Hoàng Quốc Việt, TP Yên Bái vận dụng công nghệ giúp học sinh ôn tập.
Định hướng ôn tập
Ông Vũ Văn Khương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trạm Tấu cho biết: Trường có 66 học sinh lớp 9, số học sinh dự thi vào lớp 10 đạt 50%, còn lại đang phân vân giữa thi vào lớp 10 và học nghề. Tuy vậy, công tác tổ chức, hướng dẫn ôn thi vào lớp 10 luôn được nhà trường quan tâm. Theo đó, các thầy cô đã tổ chức ôn tập miễn phí cho học sinh 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Tuy nhiên, do giáo viên các bộ môn này đã dạy thừa giờ nên việc ôn luyện thêm chỉ xây dựng được 1 tiết/môn/tuần.
“Ngay đầu năm học, chúng tôi đã định hướng những học sinh học lực tốt nên thi và học tiếp THPT để tổ chức ôn tập phù hợp đối tượng. Em nào có nhu cầu học trung cấp, nghề thì nhà trường liên kết với các đơn vị tư vấn tuyển sinh giúp các em có lựa chọn tốt nhất”, ông Vũ Văn Khương nói.
Ông Phạm Anh Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nậm Búng, huyện Văn Chấn, cho hay: “Tổng số học sinh nhà trường thi tốt nghiệp THPT là 111. Để khắc phục khó khăn, bảo đảm theo quy định Thông tư 29/2024, nhà trường chủ động tổ chức thầy cô đăng ký dạy miễn phí cho học sinh.
Em nào nhà xa, phải ở trọ quanh trường thì buổi tối vào trường để thầy cô hỗ trợ thêm. Ngoài ra, thầy cô giao bài qua Zalo, Facebook, sau đó hướng dẫn thêm học sinh vào cuối các buổi học chính khóa. Học sinh nào vắng mặt, giáo viên sẽ đến tận nhà trọ để nhắc nhở vào trường ôn tập”.
Bên cạnh đôn đốc ôn tập, Trường THCS&THPT Nậm Búng căn cứ vào đề minh họa để hướng dẫn học sinh ôn theo dạng đề. Em nào có nguyện vọng thi đại học, cao đẳng, thầy cô sẽ định hướng ôn tập theo môn; chỉ thi tốt nghiệp sẽ tư vấn ôn môn thi phù hợp khả năng. Nhà trường lựa chọn giáo viên có năng lực, tâm huyết để hướng dẫn.
Ở cấp THCS nhà trường có 8 lớp, với 320 học sinh. 70% học sinh lớp 9 đăng ký thi vào lớp 10. Nhà trường tổ chức ôn tập, hướng dẫn theo đề của sở GD&ĐT; với học sinh không có nguyện vọng thi vào lớp 10, vẫn hướng dẫn ôn tập để nâng cao chất lượng, tạo ý thức tự học.
Cũng theo ông Sơn: “Với đặc thù vùng cao, trước kỳ thi từ 5 - 10 ngày, chúng tôi tập trung học sinh vào trường hoặc ở khu trọ quanh trường chứ không để các em về nhà. Tránh tình trạng học sinh đi muộn, bỏ thi giữa chừng hay vì mưa gió không đến được trường thi”.
Học sinh Trường Tiểu học & THCS Âu Lâu, TP Yên Bái học tập, ôn luyện trên nền tảng số.
Phát huy chuyển đổi số
Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ được các trường học tại TP Yên Bái quan tâm đầu tư, giúp kiến tạo môi trường giáo dục hiện đại, năng động để học sinh được bồi dưỡng, ôn luyện hiệu quả nhất.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Âu Lâu, trao đổi: “Chúng tôi nhận thức việc chuyển đổi số là hành trình tất yếu, tiềm năng để vươn tới tầm cao giáo dục mới. Vì vậy, ngành Giáo dục tạo mọi điều kiện thuận lợi để công nghệ số đi vào phục vụ dạy và học; mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển toàn diện của học sinh, đổi mới của nhà trường, đặc biệt trong ôn luyện thi”.
Cô Trần Thị Bích Hiếu - giáo viên chủ nhiệm lớp 9, Trường Tiểu học & THCS Âu Lâu, khẳng định hiệu quả của chuyển đổi số đối với giảng dạy và ôn tập ở giai đoạn nước rút kỳ thi cuối cấp: “Việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt ngân hàng câu hỏi và nền tảng trực tuyến giúp công tác quản lý học tập của học sinh hiệu quả hơn rất nhiều. Các em dễ dàng tương tác, tiếp cận học liệu mọi lúc, mọi nơi. Giáo viên và phụ huynh thuận tiện theo dõi tiến trình học tập của con em”.
Ông Nguyễn Văn Lịch - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TP Yên Bái), cho biết: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, nhà trường có 270 thí sinh dự thi. Để giúp các em đạt kết quả cao, ngoài hướng dẫn các điểm mới của kỳ thi; tuyên truyền tới học sinh, phụ huynh để lựa chọn môn thi phù hợp…, nhà trường đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để quản lý và giúp học sinh tự học, tự ôn luyện, làm bài tập ở nhà”.
Ông Luyện Hữu Chung - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái thông tin: “Ngành GD-ĐT Yên Bái đã tham mưu với Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh giao nhiệm vụ cho cấp ủy Đảng, chính quyền huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn; hỗ trợ các điểm thi khi có diễn biến thời tiết bất thường.
Với học sinh hoàn cảnh khó khăn, ở vùng cao, sở GD&ĐT phân công lãnh đạo phối hợp các ban ngành, đoàn thể, địa phương kiểm tra, rà soát và xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí, chỗ ăn ở, phương tiện đưa đón các em trong những ngày diễn ra kỳ thi”.
Đức Hạnh