Sẵn sàng ứng phó tình huống bệnh nhân sởi, ca nặng gia tăng

Sẵn sàng ứng phó tình huống bệnh nhân sởi, ca nặng gia tăng
2 ngày trướcBài gốc
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu xây dựng, rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống bệnh sởi trong cơ sở khám chữa bệnh, trong đó chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị trong tình huống gia tăng các trường hợp người nghi mắc sởi, người bệnh sởi đến khám bệnh và nhập viện, gia tăng các ca bệnh nặng, nguy kịch.
Tổ chức phân luồng và bố trí khu khám riêng trong khoa khám bệnh cho người nghi mắc sởi và người bệnh sởi; bố trí khu vực thu dung điều trị bệnh sởi cách ly tại khu vực cách ly của các khoa lâm sàng.
Ảnh minh họa/ VOV
Đối với các ca bệnh sởi nặng cần phải điều trị hồi sức tích cực, bệnh viện bố trí khu vực điều trị và phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo.
Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu hạn chế số lượng người thăm bệnh để phòng lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng; sẵn sàng kế hoạch ứng phó theo diễn biến tình hình bệnh sởi, phối hợp chặt chẽ giữa công tác khám chữa bệnh và dự phòng.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức các hoạt động truyền thông hiệu quả, sử dụng nhiều kênh thông tin như loa phát thanh, poster, tờ rơi, website, fanpage và hướng dẫn trực tiếp để cung cấp thông tin về bệnh sởi, các biện pháp phòng ngừa và hiệu quả của tiêm vắc-xin phòng sởi.
Đặc biệt, các cơ sở y tế cần khuyến cáo người bệnh và người nhà người bệnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa, như đeo khẩu trang và che miệng khi hắt hơi để hạn chế lây lan bệnh.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 52.000 ca nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó, ít nhất có 6 ca tử vong do sởi.
Nhằm ứng phó ca sởi tăng, Bộ Y tế đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại 54 tỉnh, thành. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương gấp rút hoàn thành tiêm chủng trước ngày 31/3.
Virus sởi lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện… Một ca bệnh sởi có thể lây cho 12 – 18 người. Các triệu chứng đặc trưng gồm sốt, viêm họng, viêm kết mạc và phát ban. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.
Trong tình hình dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, cha mẹ cần đưa trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc xin sởi đi tiêm phòng. Trường hợp cha mẹ không nhớ rõ đã tiêm chủng cho trẻ đầy đủ hay chưa thì nên tiêm bổ sung bởi vắc xin sởi không gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Bình Nguyên
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/doi-song/san-sang-ung-pho-tinh-huong-benh-nhan-soi-ca-nang-gia-tang-2092698.html