Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm kiểm tra cuối học kỳ thì trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ có một số bài viết phản ánh về những sai sót, hạn chế của đề Ngữ văn. Không chỉ đề kiểm tra định kỳ mà ngay cả đề tuyển sinh 10; đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng luôn có những ý kiến trái chiều.
Thực tế, đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn thường được bàn luận nhiều vì đề kiểm tra môn học này dễ dàng nhìn thấy những sai sót, hạn chế hơn các đề kiểm tra khác và nhiều người có thể phát hiện ra.
Ngày 01/5/2025, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: “Đề kiểm tra cuối kỳ Ngữ văn lớp 9 nhiều "sạn", Hiệu trưởng THCS Định Thành nói gì?” cho thấy những bất cập trong việc ra đề, duyệt đề.
Đề kiểm tra, đánh giá cuối kỳ II môn Ngữ văn lớp 9 của Trường Trung học cơ sở Định Thành (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Người duyệt đề phải vững chuyên môn và cần tế nhị khi gặp đề kiểm tra sai sót
Phải thừa nhận một điều rằng việc duyệt đề Ngữ văn bao giờ cũng khó khăn, nhất là mấy năm nay việc dạy và ra đề kiểm tra môn học này theo hướng dẫn của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH. Ngữ liệu của đề kiểm tra lấy hoàn toàn ngoài sách giáo khoa.
Trong khi đó, mỗi tổ chuyên môn ở từng đơn vị luôn có những giáo viên nhiệt huyết, vững chuyên môn thì cũng luôn có những giáo viên còn hời hợt, khó khăn khi tự ra một đề kiểm tra định kỳ môn học mình đang giảng dạy.
Một số giáo viên khi tham gia tập huấn về ma trận đề kiểm tra chưa chú ý, tập trung nghe báo cáo viên trình bày. Có giáo viên khi thực hành xây dựng đề kiểm tra thì không tham gia, đùn đẩy cho giáo viên khác.
Vì thế, những người này khi được tổ chuyên môn phân công ra đề kiểm tra có thể không tự ra đề được nên phải tải đề kiểm tra trên mạng internet rồi đem về nộp cho nhà trường. Có giáo viên xin của đơn vị khác về nộp. Có giáo viên tự ra đề nhưng vướng nhiều sai sót.
Trớ trêu, đề kiểm tra trên mạng thì thường chỉ có đề, không có ma trận, chỉ báo, hướng dẫn chấm. Nếu giáo viên xin của đơn vị bạn nhiều khi lại không nằm trong kiến thức ôn tập của tổ chuyên môn đã thống nhất.
Chính vì thế, người duyệt đề (tổ trưởng, tổ phó chuyên môn) phải là người nắm vững kiến thức môn học, cấu trúc của đề kiểm tra mà sở đã tập huấn để phát hiện ra những sai sót của đề và yêu cầu chỉnh sửa lại.
Tuy nhiên, việc yêu cầu giáo viên ra đề sửa lại đề không phải bao giờ cũng thuận lợi và dễ dàng vì một số giáo viên “cá tính” lắm. Họ bảo vệ quan điểm của mình, thậm chí là cự cãi với người duyệt đề, cho rằng người duyệt đề gây khó dễ với mình.
Trước những tình huống như vậy, người duyệt đề phải thực sự tế nhị yêu cầu giáo viên ra đề sửa đề nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, bảo vệ danh dự cho người ra đề và bản thân người duyệt đề. Tất nhiên, muốn người ra đề vui vẻ sửa lại thì người duyệt đề phải chỉ ra những cái sai, cái không phù hợp một cách cụ thể, thuyết phục.
Duyệt đề Ngữ văn, những điều quan trọng nhất mà người duyệt đề cần lưu ý
Hiện nay, đối với cấp trung học cơ sở có 4 khối lớp, mỗi năm học sẽ 32 đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn (16 đề chính thức và 16 đề dự trữ); cấp trung học phổ thông sẽ có 24 đề (12 đề chính thức và 12 đề dự trữ). Đó là chưa kể đề phân môn Ngữ văn trong môn Nội dung giáo dục địa phương; đề thi thử tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông) nên khối lượng công việc khá nhiều.
Trong khi, đề Ngữ văn sẽ dao động từ 7- 9 trang giấy A4, bao gồm các phần: liệt kê các đơn vị kiến thức; ma trận đề kiểm tra; bản đặc tả đề kiểm tra; đề kiểm tra; đáp án/hướng dẫn chấm.
Trong các phần này, phần đề kiểm tra là quan trọng nhất vì đây là phần phát cho học trò khi kiểm tra, thi cử. Đề học sinh làm bài xong sẽ giữ lại nên các em có thể chia sẻ lên mạng xã hội, phụ huynh có thể xem. Từ đó, những sai sót, hạn chế được phát hiện.
Chính vì đề Ngữ văn có nhiều phần, vì thế người duyệt đề phải thực sự cẩn thận. Riêng phần ngữ liệu phải dò xem ngữ liệu đã lấy từ nguồn nào, chú thích cụ thể không. Ngữ liệu trong đề có phải là ngoài sách giáo khoa (cả 3 bộ sách) và có đúng với thể loại mà học sinh đã học hay chưa.
Tiếp theo sẽ dò từng chữ xem đề còn có lỗi chính tả, ngữ pháp, cách đặt câu hỏi, nguồn dẫn có đúng không. Cách trình văn bản, cỡ chữ, giãn dòng, màu mực đã đúng với hướng dẫn.
Sau đó, người duyệt đề sẽ đối chiếu các câu hỏi đã đúng với mức độ: nhận biết; thông hiểu; vận dụng theo hướng dẫn hiện nay của bộ môn và cách đặt thứ tự câu hỏi, thang điểm có phù hợp hay không.
Các câu hỏi trong đề bài có đúng với ma trận và các chỉ báo đặc tả ở trên, đáp án ở phía dưới có đúng với câu hỏi hay không. Các hướng dẫn chấm cho phù hợp không.
Khi thấy đề có vấn đề, các phần: chỉ báo- đề- đáp án không có sự thống nhất, trùng khớp thì người duyệt đề phải báo với phó hiệu trưởng chuyên môn cho sửa lại đề. Khi giáo viên sửa lại đề, tổ trưởng chuyên môn sẽ xem lại lần cuối, không còn những sai sót mới ghi vào biên bản duyệt đề.
Những đề được duyệt phải là những đề hoàn thiện, đúng với hướng dẫn của hội đồng cốt cán môn Ngữ văn và các văn bản hướng dẫn của ngành để đến khi nhà trường photo đề phát cho học sinh kiểm tra không còn những hạn chế, sai sót.
Đề kiểm tra Ngữ văn sai sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều đơn vị, cá nhân
Khi đọc đề kiểm tra Ngữ văn lớp 9, cuối kỳ II của Trường Trung học cơ sở Định Thành (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), chúng tôi nhận thấy còn những sai sót đáng tiếc. Mặc dù vẫn biết rằng đối với lớp 9 năm học này là khóa đầu tiên triển khai nhưng sở và hội đồng cốt cán tại địa phương này đã có những bước chuẩn bị cần thiết nhất.
Một tổ trưởng Ngữ văn đang công tác tại tỉnh An Giang chia sẻ với người viết rằng: năm học 2024-2025 này, bộ môn Ngữ văn của tỉnh đã thực hiện rất nhiều đầu việc phục vụ cho công việc giảng dạy, ra đề, ôn thi của giáo viên ở các nhà trường trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, sở đã tổ chức tập huấn đề kiểm tra định kỳ cho các trường học; hội đồng cốt cán bộ môn Ngữ văn đã làm sẵn ma trận, bản đặc tả cho tất cả các đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn của các khối lớp trong năm học.
Bên cạnh đó, hội đồng cốt cán còn xây dựng bộ đề minh họa học sinh giỏi cấp trung học cơ sở (48 đề); sở ban hành đề minh họa tuyển sinh 10; hội đồng cốt cán xây dựng bộ đề minh họa tuyển sinh 10 (24 đề) gửi về các nhà trường.
Ngoài ra còn có rất nhiều chỉ đạo, thông tin trao đổi giữa các thành viên hội đồng cốt cán nhằm hướng đến việc dạy và học, kiểm tra được thống nhất giữa các nhà trường.
Cuối mỗi đợt kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ), sở đều tập hợp đề của tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh, sau đó đóng gói gửi cho giáo viên các nhà trường tham khảo, rút kinh nghiệm.
Chính vì thế, khâu ra đề, duyệt đề của Trường Trung học cơ sở Định Thành cần phải rút kinh nghiệm để hạn chế, những sai sót không đáng có trong những năm học tới đây. Bởi thực tế, một khi đề kiểm tra Ngữ văn để xảy ra như thế này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều cá nhân, nhà trường, cũng như ngành giáo dục của địa phương.
Bản thân người viết cho rằng, từ sự việc "sạn" đề Ngữ văn 9 của Trường Trung học cơ sở Định Thành (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cũng như một số sự việc tương tự đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua, các thầy cô dạy môn Ngữ văn ở nhiều trường học khác cũng cần rút kinh nghiệm khi ra đề, duyệt đề. Đặc biệt là khâu duyệt đề kiểm tra bởi chỉ một chút lơ là, vội vàng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
LÊ VĂN MINH