Sản xuất lúa gạo chất lượng cao

Sản xuất lúa gạo chất lượng cao
6 giờ trướcBài gốc
Diện tích sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn tại xã Đồng Thắng (Triệu Sơn).
Nắm bắt những vướng mắc cũng như yêu cầu từ thực tiễn, ngành nông nghiệp đã khuyến khích bà con nông dân từng bước áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản và chế biến nông sản. Bên cạnh đó, chú trọng triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo trên diện rộng như: Cấy lúa lai, bón phân viên nén dúi sâu, đưa các giống lúa lai 3 dòng có khả năng chống hạn vào gieo trồng, sử dụng máy bay không người lái... Hiện nay, tỷ lệ sử dụng các giống lúa đạt năng suất, chất lượng cao, có khả năng thích ứng và chống chịu trên địa bàn tỉnh chiếm tới 90% như: Thái Xuyên 111, VT 404, Phúc Thái 168, Q5, Lam Sơn 8, TBJ03, ĐD 2, Lộc Trời 183, BQ, TBR225, Thiên Ưu 8, Nếp Thơm 86... Đồng thời, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai nhằm xây dựng và phát triển các vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào quá trình sản xuất. Người dân cũng đã có ý thức trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lựa chọn các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, có tính chọn lọc và hiệu lực phòng, trừ cao, phân hủy nhanh, ít để lại dư lượng trong môi trường và sản phẩm.
Tại xã Thiệu Viên (Thiệu Hóa), nhiều năm trước HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thiệu Viên đã bắt đầu nghiên cứu, đưa vào sản xuất thử nghiệm giống lúa Nhật - Japonica (J02) theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một trong 10 bộ giống có chất lượng tốt nhất hiện nay với nhiều ưu điểm nổi trội như: Cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chống đổ tốt, chịu rét, khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh và kháng bạc lá tốt, nhất là vào vụ mùa. Tuy nhiên, trước đây, khái niệm VietGAP còn khá xa lạ với tập quán sản xuất truyền thống, vì vậy HTX đã cải tạo, khôi phục những cánh đồng hoang của xã để đưa vào sản xuất, đồng thời ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp để người dân yên tâm, mạnh dạn đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, HTX đã liên kết với Công ty TNHH Nông nghiệp xanh thực hiện chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến, cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Tươi, thành viên HTX cho biết: “Trong quá trình canh tác, chúng tôi được HTX hướng dẫn, hỗ trợ tiếp cận với những kỹ thuật trồng và chăm sóc hiện đại, an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và môi trường. Toàn bộ quy trình sản xuất được HTX kiểm soát chặt chẽ từ khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, cùng với quy trình đóng gói, bảo quản sau thu hoạch”.
Người dân xã Thiệu Viên (Thiệu Hóa) chăm sóc lúa xuân.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo, các địa phương cũng chú trọng hình thành và phát triển được nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi đạt hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình sản xuất, chế biến lúa gạo của Công ty CP Thương mại Sao Khuê với các hộ dân ở các huyện Triệu Sơn, Nông Cống... Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa Công ty CP Bắc Trung bộ với các hộ dân tại các xã ở huyện Quảng Xương. Cùng với việc đầu tư sản xuất, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo như: Gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang, gạo Tiên Sơn, gạo sạch Hương Quê, gạo Vân Đài... đã được công nhận là sản phẩm OCOP.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Trung Nguyễn Văn Thịnh, "Dựa vào điều kiện về địa hình của địa phương, những năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật; tăng cường chế biến sâu, chú trọng xây dựng thương hiệu được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất lúa gạo trên địa bàn".
Có thể nói, thời gian gần đây việc sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và lợi nhuận sản xuất ngày càng tăng; người dân đã thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào các khâu sản xuất từ gieo trồng, chăm sóc; xây dựng các mô hình sản xuất lúa quy mô lớn, chất lượng cao, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến. Thời gian tới, với mục tiêu bảo đảm cả chất và lượng, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giống chất lượng, công nghệ mới, công nghệ thông minh trong sản xuất lúa gạo; chế biến các sản phẩm gạo an toàn phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo của tỉnh...
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/san-xuat-lua-gao-nbsp-chat-luong-cao-240569.htm