Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững
một ngày trướcBài gốc
Những năm qua, sản xuất nông lâm nghiệp tỉnh nhà đã có bước phát triển vượt bậc. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các huyện, thành phố đẩy mạnh hướng dẫn người dân phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo lợi thế của từng vùng, địa phương. Tập trung phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải carbon và thích ứng biến đổi khí hậu...
Các cơ quan chuyên môn tăng cường quản lý giống, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; thẩm định, công nhận các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh việc xây dựng, cấp và sử dụng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của tỉnh; hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã, người dân phát triển diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tương đương, các sản phẩm hữu cơ phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại, với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường đổi mới và sử dụng công nghệ tiết kiệm tài nguyên, chi phí đầu vào sản xuất. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phòng ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách thu hút thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp sinh thái. Phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế cao; trọng tâm là nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật, thị trường; nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; chuyển đổi số; sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu lớn, gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm.
Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển. Đổi mới hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân theo hướng tổ chức liên kết giữa nông dân, tổ chức hợp tác của nông dân với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Ngọc Thuấn
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/van-de-hom-nay/san-xuat-nong-lam-nghiep-va-thuy-san-tap-trung-ben-vung-CntsDfMNR.html