Sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy tiêu thụ trái cây miền núi Khánh Hòa

Sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy tiêu thụ trái cây miền núi Khánh Hòa
3 phút trướcBài gốc
Giữa tháng 7/2025, vườn trái cây của bà Lê Thị Kim Thanh, tại thôn Suối Lách, xã Trung Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa (xã được sáp nhập từ các xã Khánh Trung và Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cũ) vào mùa thu hoạch. Trên diện tích 16 héc ta, gia đình bà Thanh canh tác 40 loại cây ăn quả, trong đó có nhiều loại giá trị cao như: chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, dừa xiêm, bưởi, mít, ổi, mận, nhãn, hồng xiêm, măng cụt, thanh long vàng, cam...
Bà Lê Thị Kim Thanh, chủ vườn cây ăn trái tại thôn Suối Lách, xã Trung Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.
Bà Lê Thị Kim Thanh cho biết, vườn trái cây của gia đình được xây dựng theo hướng mỗi mùa đều có sản phẩm phù hợp với thị trường. Hiện tại, vườn có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là ổi Ruby và vú sữa Mica. Bà đang xây dựng thêm 5 sản phẩm OCOP gồm: chuối xiêm, mít Mã Lai ruột đỏ, chôm chôm, bưởi da xanh và vú sữa Hoàng Kim. Theo Bà Lê Thị Kim Thanh, đầu ra cho sản phẩm vẫn là vấn đề lớn:
“Mình cũng đang làm mô hình chương trình "Cây nhà tôi" để đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng khắp cả nước. Nếu đưa vào siêu thị thì sản lượng phải rất lớn và cung cấp liên tục. Siêu thị yêu cầu sản phẩm phải phủ sóng đồng đều cho toàn hệ thống, chứ mùa nào thức nấy thì họ không nhận. Còn nhỏ lẻ thì mình chỉ bán qua Zalo, Facebook hoặc kênh "Cây nhà tôi" mà thôi".
Sầu riêng Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.
Tại các xã Khánh Vĩnh, Trung Khánh Vĩnh, Tây Khánh Vĩnh, Nam Khánh Vĩnh và Bắc Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cũ), diện tích trồng bưởi đã vượt 600 héc ta, năng suất bình quân 8 tấn/héc ta, cung cấp khoảng 4.000 tấn bưởi da xanh mỗi năm ra thị trường. Nhiều hợp tác xã trồng bưởi đã hình thành, thu hút sự tham gia của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Một số hợp tác xã liên kết với nông dân cung cấp giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật theo quy trình chuẩn và bao tiêu sản phẩm.
Nhờ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2021 - 2025), các xã miền núi ở tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư. Các xã đã tổ chức lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh cho hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; đồng thời nâng cao năng lực quản lý, quản trị chuỗi giá trị và kỹ năng tìm kiếm thị trường.
Bà Cao Thị Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Trung Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương đang tích cực chuyển đổi giống cây trồng, tập trung phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và nhân rộng cây chủ lực theo mô hình hữu cơ. Bà Cao Thị Ngọc Thanh cho rằng, liên kết theo chuỗi giá trị là hướng đi rất tiềm năng.
“Khi xây dựng phương án, chúng tôi phân tích nhiều chiều, thấy rõ lợi thế trong thực hiện chuỗi giá trị. Tuy nhiên, đến nay, hiệu quả vẫn chưa thật rõ nét. Địa phương tiếp tục triển khai phương án chuỗi giá trị từ các hợp tác xã của xã cũ. Khó khăn lớn là đầu ra còn hạn chế. Chúng tôi đang tính toán phương án liên kết nhiều hơn với hệ thống siêu thị, doanh nghiệp lớn để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm địa phương”.
Chôm chôm được thu hái từ vườn của bà Lê Thị Kim Thanh, ở thôn Suối Lách, xã Trung Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.
Ông Lê Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia, ngoài công tác tuyên truyền và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, Hội còn đảm nhận vai trò kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như phiên chợ nông sản, hội thảo kết nối cung - cầu, giới thiệu sản phẩm tới siêu thị và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn hỗ trợ nông dân tiếp cận sàn thương mại điện tử, hướng dẫn mở gian hàng, đăng ký tài khoản và tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng bán hàng qua mạng xã hội ngay tại nơi sản xuất.
Ông Lê Quốc Toàn cho biết thêm: "Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1282 phê duyệt Đề án nâng cao vai trò Hội Nông dân trong phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Các cấp Hội đang tích cực triển khai, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó hình thành các tổ hợp tác. Hợp tác xã giúp bà con nông dân hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khi vào hợp tác xã bà con sẽ dễ dàng tiếp cận chính sách Nhà nước về vốn, kỹ thuật, giống, vật tư tốt hơn".
Việc sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị đang mở ra hướng phát triển bền vững cho miền núi tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, để chuỗi giá trị vận hành hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần cơ chế hỗ trợ tín dụng, đầu tư hạ tầng và liên kết thị trường để đưa nông sản miền núi vươn xa.
Thanh Thắng/VOV-Miền Trung
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/san-xuat-theo-chuoi-gia-tri-thuc-day-tieu-thu-trai-cay-mien-nui-khanh-hoa-post1215491.vov