Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) cho biết, năm 2024, ngành tôm Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức để đạt kim ngạch xuất khẩu (XK) trên 4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2023. Trong 2 tháng đầu năm 2025, XK tôm đạt 542,3 triệu USD, tăng trưởng 30,8% so với cùng kỳ năm 2024. Sản phẩm tôm của Việt Nam đã XK trên 100 quốc gia, trong đó có những thị trường lớn và yêu cầu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada. Giá trị XK tôm Việt Nam chiếm 13-14% tổng giá trị XK tôm toàn cầu.
"Ngành tôm đang bước vào một giai đoạn cách mạng xanh với sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức, mô hình sản xuất từ truyền thống sang sản xuất bền vững, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong khâu nuôi, sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các giải pháp tiết kiệm", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Nhiều doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, vùng nuôi tôm thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, nhiều DN đã chủ động đầu tư vào công nghệ nuôi tôm xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường, đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế và đạt được chứng nhận ASC, GlobalGAP, BAP. Cùng với đó, việc sử dụng thức ăn cho tôm đã và đang được cải thiện theo hướng ít phát thải carbon, tăng tính thân thiện với môi trường. Hiện nay, mục tiêu ngành tôm hướng đến không chỉ tập trung vào sản lượng mà còn ưu tiên chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tạo ra giá trị gia tăng bền vững. Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cho hay những giải pháp nhằm phát triển lĩnh vực nuôi tôm một cách hiệu quả và bền vững vẫn luôn được ngành nông nghiệp tìm kiếm, trong đó có việc sản xuất xanh. Điều này phù hợp với chủ trương phát triển của Đảng, cam kết của Chính phủ cũng như hành động của ngành nông nghiệp và môi trường trong định hướng phát triển kinh tế xanh.
Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ NN-MT) thông tin một số tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm ở nước ta đã được áp dụng gồm: Quy trình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Biofloc; giải pháp tối ưu hóa dinh dưỡng trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường theo quy trình Grofarm; quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ Micro-Nano Bubble Oxygen… Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Mylan Group kiêm Tổng giám đốc Rynan Holdings JSC, việc dùng trí tuệ nhân tạo (AI) quản lý môi trường nước giúp giảm phát thải khí nhà kính và dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi. Với các thiết bị cảm biến thông minh và hệ thống phân tích dữ liệu, AI có thể cung cấp thông tin thời gian thực về chất lượng nước, nồng độ ôxy, nhiệt độ, độ mặn và các yếu tố khác. Mô hình đã được áp dụng thí điểm tại một số vùng nuôi tôm trọng điểm ở nước ta và cho kết quả khả quan, năng suất tôm tăng lên 20-30%, trong khi chi phí xử lý môi trường giảm đáng kể.
Bà Lệ Hằng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá tăng trưởng xanh trong ngành tôm là xu hướng tất yếu để ngành tôm duy trì vị thế trên thị trường toàn cầu. Điều này đòi hỏi ngành tôm phải có những chuyển đổi cơ cấu loài tôm nuôi, đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng công nghệ bền vững. Ngoài ra, việc giảm phát thải carbon và tăng cường truy xuất nguồn gốc cũng là những xu hướng quan trọng trong ngành tôm; công nghệ blockchain và theo dõi sản phẩm sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm tôm.
Văn Vĩnh