Sáng 26/4: Thị trường kim loại quý bước vào giai đoạn củng cố

Sáng 26/4: Thị trường kim loại quý bước vào giai đoạn củng cố
13 giờ trướcBài gốc
Tuần qua, thị trường vàng chứng kiến những biến động mạnh mẽ, làm dấy lên tranh luận về hướng đi tiếp theo của kim loại quý. Câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu vàng đã chạm đỉnh? Và sự bất ổn trên thị trường có thực sự giảm nhiệt hay chỉ là giai đoạn tạm lắng?
Vào thứ Ba, giá vàng giao ngay đã tăng vọt lên mức cao nhất trong ngày tại 3.500 USD/oz trong phiên giao dịch tại châu Á, đánh dấu mức tăng 11% trong tháng - mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 11/2011.
Tuy nhiên, đà tăng này không duy trì được lâu. Đến cuối tuần, giá vàng giảm khoảng 6% so với đỉnh giữa tuần, chốt ở mức 3.319,345 USD/oz, tương ứng giảm 1% trong tuần. Diễn biến này phản ánh trạng thái quá mua của vàng, vốn đã được cảnh báo từ đầu tháng, khiến kim loại quý dễ bị thoái lui sau đợt tăng nóng.
Dù điều chỉnh mạnh, bối cảnh tổng thể của vàng vẫn tích cực. Kim loại quý này ghi nhận mức tăng hơn 25% từ đầu năm 2025 và gần 41% trong 12 tháng qua, củng cố vị thế là kênh đầu tư hấp dẫn cho những nhà giao dịch dài hạn.
Jesse Colombo, chuyên gia phân tích kim loại quý độc lập và sáng lập Báo cáo BubbleBubble, mô tả đợt giảm giá cuối tuần là một sự “thoái lui lành mạnh” trong bối cảnh chu kỳ tăng giá vẫn đang ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, ông dự báo vàng có thể củng cố quanh mức 3.000 USD/oz trong suốt mùa hè và khuyến nghị nhà đầu tư duy trì vị thế dài hạn.
Áp lực bán đối với vàng gia tăng khi tâm lý lo ngại về kinh tế toàn cầu phần nào dịu đi, nhờ những tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Adam Turnquist, Trưởng phòng Chiến lược Kỹ thuật tại LPL Financial, cho rằng tiến trình đàm phán đã chuyển câu chuyện từ kịch bản thuế quan cao sang khả năng đạt thỏa thuận với mức thuế thấp hơn.
“Điều đó cho thấy đỉnh điểm bất ổn kinh tế có thể đã qua vào đầu tháng này”, ông nhận xét.
Tuy nhiên, sự phủ nhận từ phía Trung Quốc về các tuyên bố trong tiến triển đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng nghi ngờ, duy trì mức độ bất ổn đủ cao để hỗ trợ giá vàng.
Kelvin Wong, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, khẳng định đợt tăng giá vàng chưa kết thúc. Ông nhấn mạnh rằng nếu đàm phán Mỹ - Trung không đạt đột phá và Mỹ tiếp tục áp thuế theo ngành, rủi ro đình lạm tại Mỹ sẽ tăng, làm suy yếu đồng USD và đẩy giá vàng lên cao.
“Xu hướng tăng giá trung và dài hạn của vàng vẫn nguyên vẹn, với các mức kháng cự tiếp theo tại 3.670-3.750 USD/oz và 3.890 USD/oz”, chuyên gia này dự báo, đồng thời nhấn mạnh vai trò của đồng USD yếu và sự suy giảm “chủ nghĩa ngoại lệ” của Mỹ.
Chuyên gia Lukman Otunuga từ FXTM xem đợt giảm giá này là chốt lời ngắn hạn, bởi các yếu tố cơ bản hỗ trợ vàng vẫn vững chắc. Ông lưu ý rằng dữ liệu kinh tế Mỹ tuần tới, bao gồm GDP quý 1, báo cáo việc làm và chỉ số lạm phát ưa thích của Fed, có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng cắt giảm lãi suất, từ đó tác động đến giá vàng.
"Mức hỗ trợ 3.250 USD/oz là ngưỡng quan trọng. Nếu nó bị phá vỡ, giá có thể lùi về 3.170 USD/oz. Nhưng nếu nó được giữ vững, vàng có thể phục hồi lên 3.390 USD/oz và 3.500 USD/oz", chuyên gia này nhận định.
Chuyên gia Thu Lan Nguyen, Trưởng phòng Nghiên cứu Ngoại hối và Hàng hóa tại Commerzbank, cũng đánh giá đợt bán tháo vừa qua chỉ là tạm thời trong xu hướng tăng chung.
“Vẫn chưa rõ khi nào và dưới hình thức nào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung mới có thể đạt được. Do đó, vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn được ưa chuộng”, bà nhận định và nhấn mạnh rằng nếu dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy dấu hiệu chậm lại do chính sách thuế quan, giá vàng có thể nhanh chóng bật tăng.
Ngược lại, chuyên gia Philip Strieble từ Blue Line Futures cho rằng, bạc có thể vượt trội hơn vàng nếu thị trường tài chính đạt đỉnh bất ổn và nhu cầu công nghiệp phục hồi. Tỷ lệ chênh lệch giá vàng - bạc tuần qua đã rời xa mức cao nhất nhiều năm, từ 107 xuống 99, phản ánh sự điều chỉnh của vàng. Strieble khuyến nghị nhà đầu tư xem xét các cơ hội trong chuỗi giá trị kim loại quý, đặc biệt là bạc.
Về mặt kỹ thuật, các mức hỗ trợ quan trọng đang được theo dõi sát sao. Mức 3.147 USD/oz, tương ứng mức thoái lui Fibonacci 38,2% từ đỉnh tuần, và mức 3.039 USD/oz - mức thoái lui 50% trùng với đường trung bình động 50 ngày - là các ngưỡng cần chú ý. Một kịch bản điều chỉnh sâu hơn về đường trung bình động 200 ngày, tức mức 2.729 USD/oz (tương đương giảm 16%), được đánh giá là khó xảy ra trong bối cảnh kinh tế hiện tại, với tăng trưởng toàn cầu chậm lại, rủi ro địa chính trị âm ỉ và các ngân hàng trung ương vẫn đang điều chỉnh sau giai đoạn tiền tệ nới lỏng.
Hiện tại, thị trường vàng đang trong giai đoạn củng cố. Liệu đây là tiền đề cho một đợt điều chỉnh sâu hơn hay một đợt tăng giá mới sẽ phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của các yếu tố rủi ro toàn cầu. Trong bối cảnh đó, vàng vẫn duy trì sức hút như một tài sản trú ẩn an toàn, đặc biệt khi các yếu tố cơ bản như nhu cầu ngân hàng trung ương và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn đang củng cố triển vọng tích cực của kim loại quý này.
Tuần tới, thị trường sẽ tập trung vào các dữ liệu kinh tế Mỹ như báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 4, GDP quý 1, chỉ số PMI sản xuất và niềm tin người tiêu dùng, cùng cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản và bầu cử liên bang Canada. Những sự kiện này có thể định hình tâm lý thị trường và ảnh hưởng đến diễn biến giá vàng.
Lê Minh
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/sang-264-thi-truong-kim-loai-quy-buoc-vao-giai-doan-cung-co-163393.html