Thị trường kim loại quý tiếp tục trải qua một tuần đầy biến động khi những căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục chi phối tâm lý nhà đầu tư và tạo nên những dao động giá chưa từng có đối với vàng giao ngay.
Khảo sát vàng hàng tuần của Kitco News cho thấy tâm lý thị trường phân hóa. Trong số 13 nhà đầu tư tham gia khảo sát, có 6 chuyên gia (tương đương 46%) cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần tới. Trong khi 7 chuyên gia (tương đương 54%), dự đoán giá vàng sẽ giảm. Không có chuyên gia nào dự doán giá vàng sẽ đi ngang vào tuần tới.
Trong khi đó, cuộc thăm dò trực tuyến với 316 nhà đầu tư cho thấy, có 152 nhà đầu tư (tương đương 48%) kỳ vọng giá sẽ tăng; 92 nhà đầu tư (tương đương 29%) dự đoán giá sẽ giảm; 72 nhà đầu tư (tương đương 23%) cho rằng giá sẽ đi ngang trong tuần tới.
Mặc dù giữ tâm lý thận trọng trước biến động giá lớn, nhưng nhiều chuyên gia vẫn nhấn mạnh các yếu tố cơ bản hỗ trợ vàng.
Chuyên gia Adrian Day, Chủ tịch Adrian Day Asset Management, nhận định xu hướng ngắn hạn của vàng là giảm do khả năng có thêm nhiều nhượng bộ trong cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như mối lo ngại gia tăng về suy thoái, sẽ gây áp lực lên vàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các động lực dài hạn, như nhu cầu của các ngân hàng trung ương và bất ổn địa chính trị vẫn còn, dự báo đợt thoái lui sẽ “ngắn và nông”.
Chuyên gia Rich Checkan từ Asset Strategies International thì lạc quan hơn khi cho rằng vàng sẽ tiến gần mức 3.500 USD/oz vào tuần tới nhờ đồng USD yếu, bất ổn địa chính trị, chính sách thuế quan và những diễn biến trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kevin Grady, Chủ tịch Phoenix Futures and Options, phân tích biến động mạnh mẽ của vàng vào thứ Sáu. Ông lưu ý giá vàng tăng 500 USD/oz “nhanh như chớp” nhưng thiếu sự hỗ trợ từ khối lượng giao dịch mạnh và lãi suất mở lớn, cho thấy sự tham gia của nhiều nhà đầu cơ ngắn hạn.
“Khi vàng tăng 100-120 USD/oz/ngày, việc giảm 120 USD/oz không có gì bất ngờ”, chuyên gia này nêu quan điểm và cho biết mức 3.000 USD/oz là ngưỡng hỗ trợ chính. Ông cũng dự đoán Trung Quốc có thể bán trái phiếu kho bạc Mỹ và mua vàng để gây áp lực lên Mỹ, làm tăng lãi suất và hỗ trợ giá vàng.
Chuyên gia Bob Haberkorn từ RJO Futures dự báo vàng có thể giảm về mức 3.180-3.200 USD/oz trước khi thu hút người mua mới ở mức 3.100 USD/oz nhờ nhu cầu bị dồn nén. Ông nhấn mạnh bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent về tính không bền vững của chính sách thương mại là tín hiệu tích cực, nhưng các thông tin liên tục thay đổi khiến việc dự đoán xu hướng trở nên khó khăn.
Alex Kuptsikevich, nhà phân tích thị trường cấp cao tại FxPro, thì cho cho rằng việc vàng biến động đáng kể ở mức đỉnh gần đây khiến rủi ro giảm giá đang gia tăng.
“Các dấu hiệu của mô hình 'đầu và vai' đang hình thành trên biểu đồ”, chuyên gia này cảnh báo và cho biết: “Trong trường hợp giá giảm xuống dưới mức 3300 USD/oz, thị trường có thể chứng kiến sự tăng tốc của hoạt động chốt lời. Đây có thể là đợt bán tháo sau giai đoạn tăng giá chóng mặt, với khả năng giảm xuống dưới 3000 USD/oz. Bức tranh kỹ thuật dài hạn chỉ ra tình trạng quá nhiệt liên tục và tiềm năng điều chỉnh tăng cao”.
Chuyên gia này cũng chỉ ra một kịch bản trung hạn thay thế, trong đó sự suy giảm lớn gần đây có thể đã mở đường cho một động thái tăng cao mới. Tuy nhiên, "những tin tức về thuế quan và căng thẳng địa chính trị có đủ sức mạnh để lấn át toàn bộ bức tranh kỹ thuật".
Các nhà phân tích tại CPM Group khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ vàng dài hạn và mua vào khi giá giảm, với tiềm năng giá vàng có thể đạt 3.440 USD/oz vào tuần tới, dù diễn biến có thể sẽ khó lường.
Nhà phân tích cấp cao của Kitco Jim Wyckoff cho rằng giá vàng có xu hướng giảm vào tuần tới. "Giảm đều khi biểu đồ giá vàng xấu đi và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư/nhà giao dịch được cải thiện".
Chuyên gia Jim Wyckoff từ Kitco dự đoán giá vàng giảm trong tuần tới do biểu đồ kỹ thuật xấu đi và tâm lý rủi ro của nhà đầu tư được cải thiện. Ngược lại, chuyên gia Darin Newsom từ Barchart.com cho rằng vàng vẫn có thể thu hút người mua trước khi tháng 4 kết thúc, dù đang ở trạng thái quá mua và dễ bị bán tháo nếu dòng vốn chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn khác như trái phiếu kho bạc ngắn hạn.
Sau một tuần với không nhiều chỉ số kinh tế đáng chú ý, dữ liệu việc làm của Mỹ sẽ là tâm điểm của thị trường vào tuần tới, với việc công bố số lượng việc làm của JOLTS vào thứ Ba, dữ liệu việc làm của ADP vào thứ Tư và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vào thứ Năm và kết thúc bằng báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 4 vào sáng thứ Sáu.
Thị trường cũng sẽ chú ý đến Cuộc bầu cử liên bang Canada vào thứ Hai, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ vào thứ Ba, dữ liệu GDP quý 1 của Mỹ, doanh số bán nhà đang chờ xử lý và cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản vào thứ Tư và Chỉ số PMI sản xuất của ISM vào thứ Năm.
Lê Minh