Sáng kiến và giải pháp tại GEFE 2024: Hướng tới kinh tế xanh bền vững

Sáng kiến và giải pháp tại GEFE 2024: Hướng tới kinh tế xanh bền vững
2 giờ trướcBài gốc
Không gian giới thiệu tại sự kiện "Ngày Bắc Âu - Tiến tới Xanh".
Nhiều kinh nghiệm, sáng kiến đột phá tại GEFE 2024
Sáng 22/10, trong khuôn khổ GEFE 2024, sự kiện Ngày Bắc Âu - Tiến tới Xanh đã được tổ chức, với sự tham gia của các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển. Tại đây, đại diện các quốc nhấn mạnh sự phát triển bền vững và các thực hành xanh của khu vực Bắc Âu, đồng thời thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Buổi thảo luận chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp tại sự kiện "Ngày Bắc Âu - Tiến tới Xanh".
Ngoài ra, sự kiện đã tập trung vào các chủ đề quan trọng như chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, hệ thống thực phẩm bền vững và sự tham gia của giới trẻ trong các hoạt động về biến đổi khí hậu. Theo đó, nhiều kinh nghiệm, giải pháp, sáng kiến đã được giới thiệu tại sự kiện.
Trong số các sáng kiến nổi bật, Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm về phát triển năng lượng gió ngoài khơi, trong khi Na Uy nhấn mạnh vào việc khai thác thủy điện, một nguồn năng lượng giúp quốc gia này gần đạt mức phát thải carbon trung tính. Còn Phần Lan là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng thuế carbon từ năm 1990, một sáng kiến không chỉ giúp giảm phát thải đáng kể mà còn tăng nguồn thu ngân sách nhờ đánh thuế năng lượng hóa thạch.
Các giải pháp "xanh" và bền vững môi trường đến từ các quốc gia Bắc Âu, được giới thiệu tại triển lãm GEFE 2024.
Cùng với Bắc Âu, các quốc gia đến từ châu Âu cũng mang đến những giải pháp, sáng kiến chuyển đổi năng lượng. Cụ thể, đại diện cho Đức là doanh nghiệp Bosch đã giới thiệu về giải pháp năng lượng mặt trời tại triển lãm, với công suất 1.540 kWp, dự kiến sản xuất 2.300 MWh năng lượng sạch mỗi năm, tương đương với việc giảm 1.630 tấn CO2, bằng trồng khoảng 30.000 cây xanh.
Ngoài ra, Bosch cũng giới thiệu nền tảng ctrlX Automation, một hệ thống tự động hóa giúp giảm thời gian ngừng hoạt động và hạn chế lãng phí trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả và bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam; hay giải pháp thông minh cho đô thị bền vững thông qua việc sử dụng camera tích hợp AI và hệ thống âm thanh IP thông minh, giúp tối ưu hóa quản lý từ xa và giảm phát thải carbon.
Bosch giới thiệu các công nghệ, giải pháp bền vững tại triển lãm GEFE 2024.
Bên cạnh về chuyển đổi năng lượng, giải pháp kinh tế tuần hoàn cũng là điểm nhấn và trở thành trọng tâm hợp tác giữa các nước Bắc Âu, châu Âu và Việt Nam với mục tiêu kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm thiểu rác thải và tối ưu hóa tài nguyên. Cụ thể, các sáng kiến như hệ thống trả lại đồ điện tử đã qua sử dụng đến từ Na Uy. Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken nhấn mạnh, sáng kiến này không chỉ giảm rác thải mà còn khuyến khích sản xuất bền vững hơn.
Đại sứ Đan Mạch H.E. Mr. Nicolai Prytz cũng chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là truyền cảm hứng và thúc đẩy sự thay đổi. Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là về tầm nhìn, chính sách và mô hình khuyến khích, chúng tôi hy vọng sẽ cùng khám phá những lĩnh vực mà các nước Bắc Âu có thể hỗ trợ Việt Nam trên hành trình hướng tới trung hòa khí hậu và thịnh vượng”.
Một góc triển lãm tại GEFE 2024.
Cụ thể, kế hoạch hành động thực phẩm bền vững với mục tiêu giảm sử dụng hóa chất, bảo tồn đa dạng sinh học và thúc đẩy sản xuất thực phẩm địa phương cũng được các quốc gia Bắc Âu, châu Âu triển khai từ lâu. Đại sứ Phần Lan Keijo Norvanto khẳng định, tầm quan trọng của việc thu hút giới trẻ vào các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu, nhấn mạnh rằng cần đảm bảo tiếng nói của họ được lắng nghe trong quá trình ra quyết định và xây dựng các giải pháp tương lai.
Cơ hội vàng cho Việt Nam kiến tạo tương lai xanh
Theo đại diện các doanh nghiệp đến từ Bắc Âu và châu Âu, GEFE 2024 đã mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, từ việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và các giải pháp năng lượng tái tạo từ các nước Bắc Âu và châu Âu, cho đến tăng cường thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực như kinh tế tuần hoàn và năng lượng xanh.
Giải pháp vận hành hàng hóa cho các nhà kho, nhà máy bằng công nghệ lắp ghép, tiết kiệm điện đến từ doanh nghiệp SUS Vietnam.
Sự kiện này cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, tạo nền tảng cho hệ thống kinh tế thân thiện với môi trường. Những sáng kiến và giải pháp được giới thiệu tại GEFE 2024 đã tạo ra cơ sở vững chắc để Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn mang lại lợi ích lớn cho môi trường và xã hội.
Với sự kết nối chặt chẽ giữa công nghệ, năng lượng và lối sống xanh, Việt Nam đang từng bước củng cố vai trò tiên phong trong khu vực về phát triển bền vững, hướng tới một hệ thống kinh tế thịnh vượng và hài hòa cho các thế hệ tương lai. Diễn đàn này cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách thích nghi với các tiêu chuẩn quốc tế.
Một gian hàng triển lãm tại GEFE 2024.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, sự kiện đã giúp Thành phố thu thập kinh nghiệm và kết nối nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng xanh, đồng thời tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững với mục tiêu giảm ít nhất 10% lượng phát thải vào năm 2030. Từ đó, Thành phố kỳ vọng tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng tái tạo nhằm nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bối cảnh hợp tác này càng trở nên ý nghĩa khi Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Tại GEFE 2024, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết, Chính phủ đang triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và xã hội, đồng thời mở rộng khả năng xuất khẩu sang thị trường châu Âu - nơi nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm bền vững đang tăng cao.
Nhiều giải pháp giới thiệu các sản phẩm, sáng kiến bền vững tại triển lãm, thu hút nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu.
Alain Cany, Chủ tịch Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định rằng, GEFE 2024 không chỉ tăng cường hợp tác nội khối EU mà còn mở rộng quan hệ với các quốc gia ngoài EU như Na Uy, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh. Điều này củng cố vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư quốc tế và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas cũng nhấn mạnh, sự hợp tác chuyển đổi xanh giữa Việt Nam và EU là con đường tất yếu cho sự phát triển bền vững trong tương lai, mở ra cơ hội tạo ra sự khác biệt lớn trong quan hệ song phương.
Những hội thảo nhỏ cũng được tổ chức xuyên suốt tại GEFE 2024.
Theo đó, GEFE 2024 đã trở thành một sự kiện quan trọng, giúp Việt Nam và EU không chỉ tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu mà còn xây dựng một tương lai phát triển bền vững, nơi công nghệ xanh, năng lượng sạch và lối sống thân thiện với môi trường trở thành nền tảng cho sự thịnh vượng lâu dài.
Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/sang-kien-va-giai-phap-tai-gefe-2024-huong-toi-kinh-te-xanh-ben-vung-20241022140359122.htm