Giai điệu mộc mạc của sáo cúc kẹ lan tỏa tinh thần gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
Từ truyền thuyết về tiếng sáo tự nhiên phát ra khi gió lùa qua lỗ thủng trên cây nứa bị kiến đục, đồng bào Xa Phó đã sáng tạo nên loại sáo chỉ có một lỗ và không có lỗ chỉnh âm, được thổi bằng mũi (gọi là Na cù pí cúc kẹ).
Loại sáo này đòi hỏi người thổi phải có năng khiếu và khả năng điều tiết hơi thở tinh tế. Tiếng sáo trong trẻo, dìu dặt từng là âm thanh gắn bó với đêm trăng, phiên chợ, hay những buổi mời gọi bạn tình nơi bản làng.
Nghệ nhân ưu tú Đặng Thị Thanh, người con của dân tộc Xa Phó, là người duy nhất còn gìn giữ và truyền dạy cách thổi, chế tác loại nhạc cụ quý giá này. Bà từng say mê tiếng sáo cúc kẹ từ năm 15 tuổi và từ đó dành cả cuộc đời để học thổi, đi rừng tìm nứa già, nghiên cứu cách tạo lỗ âm thanh đúng chuẩn.
Không chỉ biểu diễn, nghệ nhân Đặng Thị Thanh còn tận tâm truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Bên cạnh sáo cúc kẹ, bà Thanh còn tham gia truyền dạy các điệu múa, dân ca, lễ hội cổ truyền, góp phần đưa văn hóa Xa Phó vào trường học, đội văn nghệ, và các sân khấu nghệ thuật quần chúng.
Việc truyền dạy không chỉ là bảo tồn một loại nhạc cụ, mà còn là quá trình giáo dục truyền thống, giúp lớp trẻ nhận thức rõ hơn về cội nguồn văn hóa dân tộc, biết tự hào và có trách nhiệm gìn giữ.
Những nỗ lực bền bỉ của bà Thanh đã góp phần đưa sáo cúc kẹ, "báu vật" văn hóa của người Xa Phó tiếp tục ngân vang giữa đại ngàn Tây Bắc hôm nay.
NGỌC XIÊM - HỒNG XOAN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/video-sao-cuc-ke-bau-vat-van-hoa-cua-dong-bao-xa-pho-post879347.html