Sao Hỏa từng có khí hậu ôn đới như Trái Đất?

Sao Hỏa từng có khí hậu ôn đới như Trái Đất?
6 giờ trướcBài gốc
Một nghiên cứu mới đây đã làm dấy lên giả thuyết táo bạo: khoảng 4,1 đến 3,7 tỉ năm trước, trong thời kỳ Noachian, Sao Hỏa không chỉ có nước chảy mà còn sở hữu khí hậu đủ ấm để hình thành mưa điều kiện gần giống với các vùng ôn đới ngày nay trên Trái Đất. Đây cũng là khoảng thời gian trùng khớp với thời điểm sự sống bắt đầu nhen nhóm trên hành tinh xanh của chúng ta.
Địa hình Jezero Crater có thể được "điêu khắc" nhờ lượng mưa lớn tạo nên những dòng nước chảy mạnh - Ảnh: NASA
Theo Sci-News, trong khi phần lớn các mô hình khí hậu trước đây đều cho rằng Sao Hỏa không thể duy trì nền nhiệt vượt quá điểm đóng băng, thì loạt bằng chứng địa chất từ các tàu thăm dò lại kể một câu chuyện khác. Những thung lũng sâu, dấu vết của các con sông cổ và thậm chí cả bờ biển hóa thạch cho thấy hành tinh này từng có những dòng nước mạnh mẽ chảy qua trong quá khứ xa xưa.
Để giải mã nghịch lý này, một nhóm các nhà khoa học hành tinh đã so sánh hai kịch bản chính có thể giải thích sự hình thành của các thung lũng trên Sao Hỏa: một là do lượng mưa từ khí hậu ấm và ẩm, hai là do băng tan tạm thời trong điều kiện lạnh giá. Kết quả mô hình cho thấy vị trí phát sinh của các thung lũng chính là yếu tố then chốt và khi đối chiếu với địa hình thực tế tại những vùng có hệ thống thung lũng phát triển, kịch bản về khí hậu ấm áp, có mưa tỏ ra phù hợp hơn cả.
Nói cách khác, Sao Hỏa rất có thể đã từng trải qua giai đoạn “ôn đới”, ít nhất tại một số khu vực xích đạo, giống như vùng Địa Trung Hải hay miền ôn hòa của Trái Đất hiện nay.
Một trong những bằng chứng rõ nét nhất nằm tại Jezero Crater nơi robot Perseverance của NASA đang thám hiểm từ năm 2021. Vào thời kỳ Noachian, một dòng sông lớn từng đổ vào miệng hố va chạm khổng lồ này, tạo nên một vùng đồng bằng châu thổ cổ đại. Tiến sĩ Brian Hynek, chuyên gia thuộc Đại học Colorado Boulder (Mỹ), cho biết chỉ những dòng nước sâu và mạnh do mưa lớn tạo nên mới có thể vận chuyển được những khối đá lớn mà Perseverance đã ghi nhận. Mô hình tan băng không đủ lý giải điều đó.
Không chỉ riêng Jezero, nhiều khu vực khác dọc theo đường xích đạo Sao Hỏa cũng mang dấu tích tương tự, cho thấy khí hậu ấm áp từng là hiện tượng phổ biến hơn ta tưởng.
Tuy vậy, câu hỏi lớn vẫn còn đó: Làm thế nào Sao Hỏa lại có thể đủ ấm vào thời điểm mà Mặt Trời chỉ sáng bằng khoảng 75% hiện nay?
Ánh sáng Mặt Trời yếu không đủ sưởi ấm hành tinh đỏ như bây giờ, thế nhưng, các nhà khoa học cho rằng thời kỳ cổ đại đó có thể đánh dấu một Sao Hỏa rất khác với từ quyển mạnh mẽ hơn, khí quyển dày đặc hơn và hoạt động địa chất sôi động hơn.
Chính những yếu tố này có thể đã tạo nên một “khoảnh khắc ôn đới” trong lịch sử hành tinh đỏ kéo dài hàng trăm triệu năm trước khi Sao Hỏa nguội dần và trở thành thế giới băng giá, khô cằn như chúng ta thấy ngày nay.
Như Ý (t/h)
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/sao-hoa-tung-co-khi-hau-on-doi-nhu-trai-dat/20250516115508434