Sao phim 'Biệt động Sài Gòn' hé lộ nhiều thú vị sau gần 4 thập kỷ

Sao phim 'Biệt động Sài Gòn' hé lộ nhiều thú vị sau gần 4 thập kỷ
8 giờ trướcBài gốc
Ở tuổi thất thập, dù mái tóc đã ngả màu pha sương, nhưng "ni cô Huyền Trang" - NSƯT Thanh Loan vẫn mang nét đẹp đằm thắm, thanh lịch. Mỹ nhân màn ảnh một thời với đôi mắt buồn sâu thẳm, từng khiến bao chàng trai "đổ gục" hiện có cuộc sống gia đình bình yên, giản dị. Bà nói, có lẽ quen ăn theo kẻng, ngủ theo giờ, sống chỉn chu nên luôn hài lòng với những gì mình đang có…
Sau gần 40 năm, nhớ lại vai diễn để đời trong "Biệt động Sài Gòn", nữ nghệ sĩ vẫn nhớ như in quá trình chuẩn bị vô cùng công phu cho Ni cô Huyền Trang. "Tôi được vào trong chùa ở 1 tuần lễ học cách tụng kinh, gõ mõ, niệm Phật. Chúng tôi phải đi thực tế - từ dáng đi khất thực khoan thai của người tu hành đến bước chân tĩnh, từng bước một", bà nhớ lại.
Xuất thân là người lính cũng giúp NSƯT Thanh Loan thuận lợi khi thực hiện các cảnh hành động. Bà từng ra thao trường bắn súng AK, cầm súng lục bắn rồi nên cũng quen với vũ khí.
Để đảm bảo tính chân thực của phim, NSƯT Thanh Loan cho biết các diễn viên phải gặp nguyên mẫu nhân vật của mình. "Anh Quang Thái đóng vai Tư Chung thì gặp nguyên mẫu là Đại tá Tư Chu. Năm Hòa là vai của anh Bùi Cường đóng, bí danh K9", bà nói.
Vai diễn ni cô Huyền Trang trong phim "Biệt động Sài Gòn" của NSƯT Thanh Loan để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả.
"Ni cô Huyền Trang là vai cuối cùng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi", NSƯT Thanh Loan chia sẻ.
Nhiều cảnh quay trong Biệt động Sài Gòn chỉ có thể thực hiện 1 lần, đòi hỏi diễn viên phải tập trung cao độ. NSƯT Thanh Loan kể về cảnh bị tra tấn: "Cảnh này buộc phải diễn chỉ một lần thôi. Lúc đầu tra tấn thì co chân co tay. Nhưng phần cuối họ đổ nước vào để Huyền Trang tỉnh lại nên bắt buộc chỉ diễn một đúp, không thể diễn lại lần thứ hai. Trang phục đâu, quần áo đâu mà thay nữa để diễn được".
NSƯT Thanh Loan chia sẻ về cảnh quay tâm đắc nhất: "Trong tập 2 - Tĩnh lặng, khi Huyền Trang phải đến một chùa để gặp cấp trên nhưng không biết gặp ai, hóa ra là Tư Chung - người yêu cũ mà mình luôn nhớ. Ngọn nến cứ chảy xuống như người khóc. Cảnh đó tôi thích nhất và xúc động một cách chân thành".
Còn cảnh quay khó nhất được bà kể lại: "Tôi phải nhảy xuống cái đầm đầy hoa súng để đẩy thuyền của Tư Chu bị thương. Tôi phải đẩy con thuyền rất to, máy quay ở trên cao, thấy tôi đẩy thuyền rồi hút dần đi vào rừng dừa. Đoạn đó quay rất đẹp".
Hỏi NSƯT Thanh Loan về một sự thật rằng dù đóng rất nhiều phim truyền hình trước "Biệt động Sài Gòn" nhưng khán giả vẫn chỉ nhớ đến với cái tên ni cô Huyền Trang, đó là may mắn hay thiệt thòi? - Nữ nghệ sĩ thẳng thắn: "Tôi cho đó là vinh dự, một phần thưởng lớn dành cho người nghệ sĩ. Sau gần 40 năm, tôi đi đâu cũng được khán giả nhận ra là người đóng vai ni cô Huyền Trang.
NSƯT Thanh Loan sau gần 4 thập kỷ "Biệt động Sài Gòn" vẫn giữ được nét đằm thắm.
Bây giờ nhiều người không nhớ tôi là Thanh Loan mà chỉ gọi tôi là ni cô Huyền Trang, tôi thấy mình thật may mắn vì có một vai diễn để đời, bước ra ngoài cuộc sống. Có nhiều người nói: Ôi xem phim xong thương Huyền Trang quá, mê Huyền Trang quá. Ai cũng muốn đặt tên con là Huyền Trang. Vai Huyền Trang khổ và chịu đựng thiệt thòi, tôi yêu cũng chẳng được yêu, lại còn hy sinh".
Tiết lộ sự thay đổi sau thành công của "Biệt động Sài Gòn" và vai diễn ni cô Huyền Trang, bà nói ngoài danh tiếng và các giải thưởng thì không ai nghĩ đến chuyện cát-sê bởi đó đang là bao cấp, sống bằng tem phiếu.
"Hằng năm, điện ảnh Việt Nam sản xuất rất ít phim nên việc được chọn một vai nào đó là điều rất tự hào của diễn viên. Chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ đến cát-sê, ký hợp đồng vai chính, vai phụ là bao nhiêu.
Tuy nhiên, vẫn được nhận một khoản tiền gọi là bồi dưỡng thanh sắc. Như tôi, đóng 4 tập Biệt động Sài Gòn được bồi dưỡng 18 triệu đồng, sau khi đổi tiền năm 1985 còn 1,8 triệu đồng nhưng vẫn vui, vì thời đó không bị kinh tế thị trường chi phối mà chỉ nghĩ nghệ thuật là trên hết", NS Thanh Loan tâm sự.
Sau 50 năm giải phóng, 40 năm phim ra mắt, Biệt động Sài Gòn vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ. NSƯT Thanh Loan không ngờ rằng vai ni cô Huyền Trang trở thành biểu tượng bất diệt trong lòng người Việt. Đây là nhân vật đã vượt khỏi màn ảnh để trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ về lòng yêu nước, sự hy sinh thầm lặng và tinh thần kiên cường.
Trích đoạn "Biệt động Sài Gòn"
An Khánh
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/sao-phim-biet-dong-sai-gon-he-lo-nhieu-thu-vi-sau-gan-4-thap-ky-172250427114021781.htm