Sắp có kết quả sơ bộ về điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu

Sắp có kết quả sơ bộ về điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu
7 giờ trướcBài gốc
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan trong 9 tháng năm 2024, lượng HRC từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam đạt 8,8 triệu tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 72% với 6,3 triệu tấn, trong bối cảnh Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ - BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 26/7/2024.
Trả lời vấn đề này, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, ngành sản xuất thép cán nóng trong nước hiện nay bao gồm 2 doanh nghiệp có công suất vào khoảng 8,6 triệu tấn/năm.
Sản phẩm thép cán nóng sản xuất trong nước bên cạnh đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa, một phần còn dành cho xuất khẩu sang một số thị trường khác, tỷ lệ là 50:50%. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu thép cán nóng của thị trường Việt Nam - theo đánh giá vào khoảng 13 triệu tấn/năm. Như vậy, nhập khẩu thép cán nóng vẫn là nguồn bổ sung cho nhu cầu của thị trường trong nước.
Vừa qua, trên cơ sở các yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985 về việc điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng, có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc, nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ yêu cầu, Cơ quan điều tra đã tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Bên cạnh thông tin do các cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp, Cơ quan điều tra nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp sản xuất thép mạ và ống thép đang sử dụng thép cán nóng làm nguyên liệu. Đối với các ý kiến này, Cơ quan điều tra sẽ xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng trong quá trình điều tra vụ việc trên cơ sở các dữ liệu được Cơ quan điều tra thu thập và xác minh và sẽ được phản ánh trong kết luận điều tra.
Cục Phòng vệ thương mại đã gửi bảng câu hỏi điều tra cho các bên liên quan, thời hạn điều tra vừa mới kết thúc với doanh nghiệp sản xuất trong nước vào 6/10 và doanh nghiệp nước ngoài vừa kết thúc vào ngày 22/10.
Dự kiến, trong tháng 11/2024, sẽ có kết quả điều tra sơ bộ; nếu có dấu hiệu bán phá giá, Bộ Công Thương sẽ áp dụng biện pháp tạm thời (áp thuế tạm thời).
"Cục Phòng vệ thương mại đã gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan, đề nghị trả lời. Đến nay, thời hạn dành cho các bên trả lời bản câu hỏi đã kết thúc, Cục Phòng vệ thương mại đang tiếp nhận và tổng hợp lại các thông tin, dữ liệu do các bên liên quan cung cấp”, ông Trung cho biết.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hiện tại lượng thép cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam đã vượt qua sản lượng sản xuất trong nước, Bộ Công Thương mở cuộc điều tra là phù hợp với các quy định quốc tế cũng như Việt Nam.
“Bộ Công Thương cũng phải cân nhắc về tổng nhu cầu, sản xuất trong nước chưa đáp ứng thì phải nhập khẩu nhưng nhập khẩu ồ ạt gây tổn hại sản xuất trong nước và ngăn cản sản xuất trong nước thì phải có công cụ bảo vệ. Biện pháp Bộ Công Thương áp dụng là chống bán phá giá, để đảm bảo hài hòa”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Lam Phong
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/sap-co-ket-qua-so-bo-ve-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-thep-can-nong-nhap-khau-post356528.html