Sáp nhập phường, xã và các vấn đề liên quan đến GD: Hạn chế tiêu cực trong sắp xếp đội ngũ

Sáp nhập phường, xã và các vấn đề liên quan đến GD: Hạn chế tiêu cực trong sắp xếp đội ngũ
2 giờ trướcBài gốc
Cô trò Trường Tiểu học - THCS A Xing (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).
Nhiều ý kiến băn khoăn, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính có ảnh hưởng đến các cơ sở giáo dục hay không? Nếu có cần làm sao để bảo đảm được mục tiêu và quyền lợi của học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên?
TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Cần hệ thống chính sách công khai, minh bạch, rõ ràng
Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 được ký ban hành ngày 12/7/2023. Nghị quyết quy định cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn này; nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính; tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, xã sau sắp xếp…
Đối với giáo dục, tôi cho rằng các cơ sở giáo dục hiện có không bị tác động, ảnh hưởng nhiều bởi việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; trừ trường hợp phải sáp nhập. Nếu sáp nhập trường, theo tôi, nguyên tắc quan trọng nhất phải bảo đảm quyền lợi học sinh, không để các em gặp khó khăn vì đi học xa nhà.
Nếu lấy học sinh là trung tâm, học sinh trong vòng bán kính 1 - 2 km tính từ trung tâm trường học nào sẽ được học ở trường đó, không cứ các em ở phường, xã, quận, huyện nào. Như vậy căn cứ ưu tiên sẽ là vị trí học sinh, không phải địa giới hành chính. Điều này vô cùng cần thiết, đặc biệt với học sinh ở lứa tuổi nhỏ. Còn đối với cán bộ quản lý, thầy cô giáo có thể khắc phục khó khăn được.
Thay đổi vì quyền lợi học sinh, thầy cô giáo cần xem đây là trách nhiệm của bản thân. Trước đây, sinh viên sư phạm ra trường được Nhà nước phân công công tác, chấp hành sự điều động, nên đi làm xa nhà, gia đình là chuyện bình thường. Việc điều chỉnh để phù hợp với điều kiện cá nhân là trường hợp đặc thù, không phổ biến. Trên thực tế, hiện nay, việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu là việc làm được tiến hành thường xuyên của ngành Giáo dục.
Hiện nay, sáp nhập trường (nếu có) có thể tạo ra một số xáo trộn trong bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Do đó, việc quan trọng đầu tiên là truyền thông, làm rõ để thầy cô thấy được chủ trương đúng, hợp lý, cần thiết.
Cùng đó, để hạn chế tiêu cực, người quản lý phải công tâm, không vì quan hệ cá nhân; công khai, minh bạch, có sự lãnh đạo và quyết định mang tính tập thể. Nếu “thượng” nghiêm túc thì “hạ” cũng sẽ tâm phục khẩu phục; “thượng” không nghiêm túc, tổ chức bị rối là không tránh khỏi. Tóm lại việc sắp xếp đơn vị hành chính nói chung, sắp xếp trong giáo dục nói riêng cần thiết và phải làm, nhưng cần dựa trên hệ thống chính sách công khai, minh bạch, rõ ràng.
TS Lê Viết Khuyến.
Thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị: Ưu tiên cao nhất là quyền lợi của học sinh
Sáp nhập địa giới hành chính là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu không chỉ là tinh gọn đội ngũ công chức, viên chức hiện nay quá cồng kềnh, mà còn phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập.
Ngày nay, khi hệ thống hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng phát triển, khoảng cách địa lý được rút ngắn đáng kể, trình độ quản trị xã hội không còn phù hợp với cấu trúc đơn vị hành chính nhỏ lẻ, manh mún gây tốn kém không cần thiết. Tuy nhiên, sáp nhập đơn vị hành chính sẽ cùng một địa phương hoặc ở các địa phương khác nhau. Điều này gây ra không ít tâm tư cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh. Thực tế cũng phát sinh nhiều vấn đề sau khi sáp nhập các đơn vị trường học trong thời gian qua.
Có thể thấy rõ các nguyên nhân gây ra tâm tư, lo lắng trong cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh đó là: Lo ngại phải chuyển đổi vị trí việc làm vốn đã quen từ lâu hoặc có thể bị tinh giản biên chế do dôi dư. Nhập 2 trường thì dôi dư 1 hiệu trưởng, vài phó hiệu trưởng, nhân viên và cả giáo viên các môn học.
Lo ngại phải di chuyển đến địa điểm xa; giảng dạy trong môi trường văn hóa mới còn nhiều điều lạ lẫm. Lo ngại con cái phải đi học xa và tâm lý tại sao không chọn địa phương mình mà chọn địa phương kia làm nơi trường đóng, có ẩn khuất gì đằng sau đó không?
Thầy Lê Văn Hòa.
Vấn đề “con người” bao giờ cũng khó giải nhất. Vì vậy, để giải quyết vấn đề phát sinh trong tâm tư đội ngũ, theo tôi có mấy việc sau đây:
Thứ nhất, phải làm sớm việc đả thông tư tưởng để cán bộ quản lý, giáo viên hiểu và chấp nhận thực tại, khách quan của việc sáp nhập trường. Sáp nhập trường là tất yếu, khách quan của sự phát triển đất nước, không thể không làm. Thực tế, quá trình đô thị hóa đã tạo ra sự dịch chuyển dân cư rõ rệt.
Những năm gần đây số lượng học sinh vùng nông thôn giảm mạnh, nhưng ở thành thị lại tăng nhanh. Trừ những địa phương vùng khó, chúng ta không thể duy trì những ngôi trường có quy mô quá nhỏ, manh mún dẫn đến phân tán nguồn lực. Sáp nhập trường trước hết vì lợi ích của học sinh, sau đó là lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, cán bộ quản lý và giáo viên phải xem đây là trách nhiệm của bản thân.
Thứ hai, phải làm cho cán bộ quản lý, giáo viên và người dân thấy được lợi ích của sáp nhập trường. Khi còn ít trường, Nhà nước sẽ đầu tư tập trung về cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ nên giáo viên và học sinh sẽ được làm việc, học tập trong môi trường tốt hơn.
Hãy nhìn ra thế giới để thấy quy mô một ngôi trường mà giáo viên chúng ta đang ước ao. Bên cạnh đó, một nhà trường có đông đảo giáo viên sẽ là cơ hội để được học hỏi, chia sẻ, khẳng định và phát triển bản thân về chuyên môn, nghiệp vụ. Tất nhiên, học sinh cũng được hưởng lợi từ yếu tố này.
Thứ ba, trước khi sáp nhập 2 trường A và B, chính quyền và ngành Giáo dục phải công khai minh bạch kế hoạch, trong đó làm rõ các vấn đề: Lý do sáp nhập trường là gì? Các vấn đề liên quan đến đội ngũ (tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, lộ trình thực hiện sắp xếp, tinh giản đội ngũ,…); hạn chế tối đa vấn đề tiêu cực về sắp xếp đội ngũ.
Vì sao chọn địa điểm trường A mà không phải là B (cần quan tâm các yếu tố như: Gắn với quy hoạch phát triển địa phương, gần trung tâm dân cư, cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ tốt hơn, giao thông thuận tiện hơn, nơi không bị ngập úng,…).
Nói đến câu chuyện sáp nhập trường trong những năm gần đây, tôi còn có những tâm tư. Có những địa phương ồ ạt nhập trường tiểu học với THCS một cách cơ học và thiếu tính toán. Cần có sự đánh giá, tổng kết thực tiễn nghiêm túc để làm bài học về sau.
Về tâm lý học, học sinh lớp 1 vào trường còn “khóc nhè” lại học chung trường với anh chị lớp 9. Về đội ngũ, không thể bố trí giáo viên THCS dạy tiểu học và điều ngược lại càng không. Cán bộ quản lý thì không biết ai sẽ làm cấp trưởng phù hợp. Nhiều xung đột trong đội ngũ cũng phát sinh từ đây. Cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ không thể dùng chung, học sinh THCS ngồi bàn tiểu học thì “vẹo cột sống”, ngược lại thì với không tới.
Rất may việc sáp nhập mới chỉ dừng lại ở bộ máy, việc tổ chức dạy học vẫn ở các điểm trường riêng lẻ. Nhưng nếu chỉ dừng lại đây thì không đạt mục tiêu sáp nhập.
Tôi cứ đặt câu hỏi tại sao không sáp nhập từ các xã lân cận để được các trường một cấp học. Ưu tiên cao nhất khi sáp nhập trường phải là quyền lợi của học sinh, mà quyền lợi của học sinh nó thể hiện ở môi trường tâm lý, chất lượng chuyên môn và cơ sở vật chất. Khoảng cách địa lý bây giờ không phải vấn đề, bởi giao thông thuận tiện, phương tiện phong phú.
Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ: Một số bài học từ thực tiễn
Ông Nguyễn Minh Tường.
Sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường lớp theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tinh gọn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đồng thời tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Nhưng vấn đề sắp xếp như thế nào để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả cần đặt ra, mục tiêu cuối cùng phải đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 1 (2019 - 2021), cùng đó là sắp xếp tổ chức lại các cơ sở giáo dục theo đơn vị hành chính đã phát huy được hiệu quả, thận trọng, sự đồng lòng của nhân dân và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Không cứng nhắc sắp xếp gộp các trường theo một đơn vị hành chính mới; mà giao cho các huyện, thị, thành phố trên cơ sở thực tiễn xây dựng Đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục trên địa bàn một cách khoa học, thuận lợi nhất đối với việc học tập của con em nhân dân, tận dụng được cơ sở vật chất, tránh bị lãng phí và nhất là giảm chi phí xã hội, đảm bảo khoảng cách theo độ tuổi của học sinh ở từng cấp học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Từ thực tiễn tôi xin trao đổi một số bài học:
Thứ nhất: Đặc thù giáo dục không như các ngành khác nên việc sắp xếp các cơ sở giáo dục phải căn cứ vào tình hình thực tế từng vùng, miền, địa phương để xây dựng Đề án sắp xếp hợp lý; tránh sắp xếp cơ học như một số nơi, dẫn đến chỉ giảm đầu mối nhưng hiệu quả không cao hơn.
Thứ hai, sắp xếp cơ sở giáo dục phải bảo đảm mục tiêu giáo dục, không chỉ giảm đầu mối, đặc biệt cần tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên không phải đi lại quá xa, dành nhiều thời gian tập trung thời gian để nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn.
Thứ ba, việc sắp xếp gắn với tinh giản cán bộ quản lý, giáo viên phải hợp lý để đáp ứng quy mô tăng học sinh, tăng lớp cơ học hằng năm.
Theo dự kiến, giai đoạn 2023 - 2025, cả nước có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Tuy nhiên, sau khi tổng hợp phương án tổng thể, tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50. Trong đó có 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề; không thực hiện sắp xếp 19 đơn vị do có yếu tố đặc thù.
Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, cả nước sẽ giảm 14 đơn vị hành chính cấp huyện. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị. Trong đó có 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề; không thực hiện sắp xếp 515 đơn vị do có yếu tố đặc thù. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập sẽ giảm 619 đơn vị hành chính cấp xã. Nguồn: Chinh phu.vn
Hiếu Nguyễn
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/sap-nhap-phuong-xa-va-cac-van-de-lien-quan-den-gd-han-che-tieu-cuc-trong-sap-xep-doi-ngu-post701722.html