Sáp nhập tỉnh: Lợi thế lớn nếu các tỉnh vừa có núi vừa có biển

Sáp nhập tỉnh: Lợi thế lớn nếu các tỉnh vừa có núi vừa có biển
21 giờ trướcBài gốc
Tại một cuộc họp mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay đầu tháng 4 này, Trung ương sẽ họp và tính toán các phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy. Dự kiến cả nước còn khoảng 34 tỉnh, TP trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, TP.
Trên tinh thần đó, tôi kỳ vọng việc sáp nhập lần này sẽ phát huy lợi thế về kinh tế biển của nước ta.
Việt Nam có đường bờ biển dài, có tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp hàng hải, du lịch biển, khai thác tài nguyên biển và logistics qua cảng biển… Do vậy, các tỉnh sau sáp nhập có thể quy hoạch tốt hơn, tận dụng hiệu quả tài nguyên và đầu tư hạ tầng để mở rộng các khu kinh tế ven biển, kết nối cả vùng miền tạo thành hệ sinh thái kinh tế biển mạnh mẽ hơn.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM.
Khi phần lớn các tỉnh vừa có núi vừa có biển, lợi thế sẽ là sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan. Điều này có thể thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa khi kết hợp giữa du lịch sinh thái ở vùng núi và du lịch nghỉ dưỡng ven biển. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để phát triển các ngành nông, lâm, ngư nghiệp song song với sự hỗ trợ của nguồn tài nguyên núi và biển.
Về chiến lược, khả năng kết nối giao thương giữa các vùng qua hệ thống cảng biển và giao thông đường núi cũng sẽ giúp đẩy mạnh kinh tế nội địa cũng như quốc tế.
Tôi cho rằng sự kết hợp giữa các tỉnh, TP với lợi thế đa dạng về núi, biển có thể mang lại lợi ích lớn trong nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, sẽ tạo điều kiện nâng cao hệ thống giao thông liên vùng, gồm cả đường bộ, đường sắt và cảng biển, góp phần vào liên kết kinh tế vùng…
Với sự đa dạng về cảnh quan, nhiều sản phẩm du lịch mới có thể được tạo ra như các tour kết hợp giữa du lịch biển và du lịch sinh thái vùng núi, tăng sức hấp dẫn và thu hút du khách quốc tế cũng như nội địa.
Đồng thời, sự kết hợp giữa nguồn tài nguyên núi và biển giúp tối ưu hóa khả năng phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Các tỉnh giáp biển sau khi sáp nhập sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn về vận tải biển, logistics qua cảng, khai thác dầu khí và tài nguyên biển sâu. Chưa kể sẽ phát triển các ngành năng lượng gió, mặt trời và thủy điện, đặc biệt là các dự án năng lượng sạch quy mô lớn…
Một góc đường liên kết của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: KHÁNH LY
Riêng câu chuyện Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM nếu được nhập với nhau cũng sẽ giúp tối ưu hóa không gian kinh tế, đặc biệt là hướng tới kinh tế biển. TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn, trong khi Bình Dương dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều khu công nghiệp, còn Bà Rịa-Vũng Tàu có cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Sự kết hợp này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối giao thương, vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế vùng.
Việc này còn có thể thúc đẩy sự đồng bộ và hiệu quả của hàng loạt dự án giao thông liên kết vùng đang triển khai như cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, metro nối dài từ TP.HCM đến Bình Dương và các tuyến đường bộ kết nối với Bà Rịa-Vũng Tàu…
Sáp nhập cũng có thể giúp quy hoạch đô thị tốt hơn, tận dụng nguồn lực và không gian để phát triển các khu vực mới, đồng thời giảm áp lực dân số và giao thông tại TP.HCM.
Đặc biệt điều này còn có thể đem lại nhiều lợi ích kinh tế như giúp kết nối các tỉnh với nhau, tạo điều kiện giao thương giữa TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với các khu công nghiệp và cảng biển. Các doanh nghiệp trong vùng sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn nhờ sự hợp nhất hạ tầng.
Với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sáp nhập tạo điều kiện để logistics, vận tải biển phát triển vượt bậc, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế và nội địa, tăng khả năng xuất khẩu. Đồng thời, các khu vực sáp nhập cũng có cơ hội mở rộng đô thị hóa, cung cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn để hỗ trợ các hoạt động kinh tế và dịch vụ.
Việc quản lý tập trung và hợp nhất các vùng đất sẽ giúp quy hoạch tài nguyên hiệu quả hơn, tạo lợi thế cạnh tranh cho vùng trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và thương mại. Đồng thời, tạo điều kiện tăng thu ngân sách từ các hoạt động công nghiệp, dịch vụ và du lịch biển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế toàn quốc.
TS TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM
Nguồn PLO : https://plo.vn/sap-nhap-tinh-loi-the-lon-neu-cac-tinh-vua-co-nui-vua-co-bien-post841870.html