Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến và sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 vào đầu tháng 5.
Mở rộng không gian phát triển
Theo Bộ Nội vụ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) hiện hành để bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) về CQĐP, thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị (không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình CQĐP 2 cấp).
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức đơn vị hành chính (ĐVHC) và mô hình CQĐP 2 cấp, gồm: cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Theo đó, cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành (gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), nhưng sáp nhập một số ĐVHC cấp tỉnh để bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định và mở rộng không gian phát triển. Đồng thời, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã hiện nay để hình thành các ĐVHC cấp cơ sở, gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo để phù hợp mô hình tổ chức mới. ĐVHC kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập. Dự thảo quy định CQĐP cấp tỉnh và cấp cơ sở đều tổ chức HĐND và UBND.
Dự luật nêu rõ: HĐND, các cơ quan thuộc HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1-7-2025.
Để bảo đảm cho hoạt động CQĐP không bị gián đoạn khi chuyển đổi từ 3 cấp sang 2 cấp, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng các quy định chuyển tiếp như thời hạn cho Chính phủ phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP, thời hạn cấp huyện bàn giao công việc. Ngoài ra, để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan, Bộ Nội vụ cũng đề xuất quy định chấm dứt việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Dự thảo cũng đề xuất chấm dứt mô hình chính quyền đô thị tại 4 thành phố lớn: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Hiện nay, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội thực hiện theo Luật Thủ đô 2024; tại TP HCM thực hiện theo Nghị quyết 131/2020 và Nghị quyết 98/2023, Đà Nẵng thực hiện theo Nghị quyết 136/2024, Hải Phòng thực hiện theo Nghị quyết 169/2024, đều của Quốc hội.
Theo dự thảo, tổ chức CQĐP ở phường thuộc TP HCM và Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2026 - 2031 được bầu; tương tự vậy, với việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn cho UBND TP và UBND phường.
Tăng số lượng nhân sự thích hợp
TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng với việc định hướng sau khi bỏ cấp huyện, sẽ giảm từ hơn 10.000 ĐVHC cấp xã hiện nay xuống còn khoảng 3.000 đơn vị (giảm 60%-70%) thì dự kiến cứ 3-5 đơn vị sáp nhập thành 1 đơn vị mới hay 1 đơn vị cấp huyện cũ thành 1-4 đơn vị cấp xã. Như vậy, các cấp xã mới sẽ thành các "huyện thu nhỏ".
Theo ông Dĩnh, với cấp xã hiện nay tối đa có khoảng 25 cán bộ, công chức nhưng khi sáp nhập, số lượng phải tăng thậm chí gấp ba nếu quy mô dân số, diện tích lớn hơn tiêu chuẩn để bảo đảm hoạt động, phục vụ người dân. Như ở TP HCM, theo đề xuất có phường, xã sau sáp nhập dân số lên tới 200.000 - 300.000 người, thậm chí có siêu "xã" được sáp nhập từ 11 xã, thị trấn hiện hữu với số dân lên tới hơn 575.000 người.
Theo dự luật, kể từ ngày 1-7-2025 sẽ bãi bỏ toàn bộ hoặc bãi bỏ các điều, khoản, chương tại một số luật, nghị quyết liên quan việc tổ chức CQĐP. Cụ thể, bãi bỏ chương 2 của Luật Thủ đô; khoản 2 điều 6 Nghị quyết số 137 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 169 về tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng.
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND huyện Bình Chánh - TP HCMẢnh: Tấn Thạnh
Từ ngày 1-5-2026, Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM hết hiệu lực thi hành; bãi bỏ điều 7 và 8 của Nghị quyết số 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng. Kể từ ngày 1-5-2026, bãi bỏ khoản 2, khoản 3 điều 9 và điều 10 của Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; điều 7, điều 8 của Nghị quyết số 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.
Về tổ chức bộ máy của CQĐP cấp tỉnh, cơ bản giữ như hiện hành, chỉ tăng số lượng thích hợp đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp việc sáp nhập và bổ sung quy định ủy viên các ban của HĐND cấp tỉnh có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để kế thừa quy định tại các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.
Về bộ máy CQĐP cấp cơ sở, dự thảo quy định cơ bản thiết kế như đối với cấp huyện (trước giải thể) nhưng quy mô nhỏ hơn. Số lượng đại biểu HĐND cấp cơ sở tối đa là 40 (riêng xã do có vị trí biệt lập không tổ chức lại, nếu quy mô dân số ít thì cơ bản giữ nguyên như quy định hiện hành).
HĐND cấp cơ sở có 2 ban là pháp chế và kinh tế - xã hội; UBND cấp cơ sở được tổ chức các cơ quan chuyên môn với số lượng phù hợp.
Cần sự đồng thuận
Hiện TP HCM đã lên kế hoạch cụ thể, chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu, xây dựng, hoàn thiện đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức CQĐP 2 cấp trong tháng 4, đồng thời hướng dẫn trình tự, thủ tục tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với đề án.
TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa và Xã hội, HĐND TP HCM nhìn nhận khi thực hiện mô hình CQĐP 2 cấp là phải có khung pháp lý vững chắc. Trước hết, cần sửa đổi Luật Tổ chức CQĐP theo hướng thay đổi vai trò của các cơ quan hành chính tinh gọn, tập trung vào quản lý dịch vụ công thay vì hành chính sự vụ.
Song song đó, phải cải cách bộ máy và phân cấp quản lý. Các sở, ban, ngành thay thế cấp huyện, trực tiếp quản lý các lĩnh vực thay vì thông qua cấp trung gian. Trong khi đó, vai trò chính quyền cấp xã phải được tăng lên, đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn trong quản lý dịch vụ công, tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, cấp huyện được ví như bậc giữa của tam cấp, đòi hỏi phải có bước chân rất dài để bước từ bậc 1 đến bậc 3 và ngược lại. Bước chân đó chính là công nghệ. Phải có quyết tâm chính trị rất cao, chỉ đạo quyết liệt với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi, thần tốc, vừa chạy vừa xếp hàng" và cần sự đồng thuận của xã hội.
Chính sách phải đủ hấp dẫn
Theo đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông), khi tinh gọn rồi, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải có trình độ năng lực và tốc độ làm việc cao. Tất nhiên, đi kèm với trách nhiệm là các chế độ, chính sách phải đủ mạnh, đủ hấp dẫn để khuyến khích, động viên. Phải phân cấp rõ ràng cấp tỉnh làm gì, cơ sở chịu trách nhiệm công việc gì.
"Dứt khoát khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, việc của người dân, doanh nghiệp sẽ được giải quyết nhanh hơn, ngay và liền. Để làm được điều đó, phải có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng, rành mạch, không thể đùn đẩy qua lại" - ông Mai nói.
Chờ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo lộ trình TP HCM đề ra, trước ngày 5-5, HĐND TP, TP Thủ Đức, 5 huyện và 63 xã, thị trấn ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức CQĐP 2 cấp. Trước ngày 10-5, Sở Nội vụ tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ đề án để tham mưu UBND TP trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức CQĐP 2 cấp, TP HCM tổ chức công bố nghị quyết và kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. TP HCM cũng giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư và sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công; thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới khi hình thành đơn vị hành chính mới. Những việc này thực hiện trước ngày 10-6.
Ông Nguyễn Hữu Lợi, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết hiện Đà Nẵng đang thực hiện theo mô hình chính quyền đô thị nên các hoạt động tổ chức CQĐP tiếp tục thực hiện cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2026 - 2031 được bầu ra. Thông thường đến tháng 5 sẽ tổ chức họp và bầu nhưng thời gian này được dự kiến lùi lại vào tháng 3-2026.P.Anh -
B.Vân
Văn Duẩn - Phan Anh