Sáp nhập tỉnh thành: Hướng ra biển, tạo thế và lực mới cho các địa phương

Sáp nhập tỉnh thành: Hướng ra biển, tạo thế và lực mới cho các địa phương
3 ngày trướcBài gốc
Trong một cuộc họp tại Đà Nẵng hôm 28-3, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết dự kiến vào đầu tháng 4 này, Trung ương sẽ họp và tính toán các phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy. Dự kiến ban đầu cả nước sẽ còn khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện; sáp nhập còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Trước đó, tại các kết luận 126, 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Công văn 43 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Nghị quyết 18 cũng đã nêu định hướng sáp nhập các tỉnh, không tổ chức chính quyền cấp huyện, đồng thời nhấn mạnh tiến độ của từng phần việc, giao cơ quan phụ trách cụ thể để chuẩn bị với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để báo cáo Bộ Chính trị, xin ý kiến Trung ương.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi cho rằng khi sáp nhập tỉnh nên ưu tiên sáp nhập tỉnh ven biển với tỉnh trên lưu vực sông lân cận. Bởi điều này sẽ tạo ra “thế và lực mới” cho các địa phương phát triển toàn diện, vững chắc, gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Nên ưu tiên sáp nhập tỉnh ven biển với tỉnh trên lưu vực sông lân cận, giúp tạo ra “thế và lực mới” cho các địa phương phát triển toàn diện, vững chắc. Ảnh: NGỌC SƠN
Tạo ra những khác biệt chưa từng có
. Phóng viên: Thưa ông, nhiều người đánh giá rằng việc Bộ Chính trị ban hành các kết luận định hướng sáp nhập tỉnh, không tổ chức chính quyền cấp huyện bây giờ là chín muồi. Ông có đồng tình với nhận định này không và vì sao?
+ PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Đất nước ta đã trải qua nhiều “cung bậc” phát triển khác nhau nhưng trong hoàn cảnh nào, Đảng và Nhà nước ta đều khơi dậy được sự đồng lòng, tin tưởng của nhân dân để xây dựng đất nước mạnh giàu.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển của đất nước trong quá trình đổi mới vừa qua và trong một “thế giới phẳng” như hiện nay cho thấy “chiếc áo” thể chế và bộ máy của hệ thống chính trị đã “quá chật” cần phải thay đổi mô hình quản trị nhà nước theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, cũng như tạo ra những không gian phát triển mới.
Cho nên, sau khi thực hiện việc tinh giản và sắp xếp lại bộ máy cấp Trung ương, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành các kết luận định hướng sáp nhập tỉnh, không tổ chức chính quyền cấp huyện, tiếp tục sắp xếp lại cấp xã với yêu cầu cao về tiến độ.
Có thể nói, đây là “thời cơ vàng”, chín muồi, cần phải chớp lấy để có những quyết sách chiến lược táo bạo, tạo ra sự khác biệt với những bứt phá chưa từng có, đáp ứng nhu cầu và yêu cầu cao của cuộc cách mạng công nghệ công nghiệp 4.0; thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị hành trang bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
PGS.TS - đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi. Ảnh: QH
Điều chỉnh không gian kinh tế, tạo dư địa phát triển mới
. Nhìn từ góc độ quản trị đất nước và những thành tựu kinh tế - xã hội đất nước hôm nay, theo ông, việc sáp nhập tỉnh, bỏ huyện sẽ có những tác động tích cực nào đến người dân, đến kết cấu xã hội, đến hệ thống chính trị?
+ Tôi cho rằng việc sáp nhập tỉnh, thành lần này phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Tổ chức quản trị quốc gia theo 3 cấp là trung ương, tỉnh/thành phố và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện; tinh gọn bộ máy và loại bỏ các chồng chéo, các khâu trung gian.
Chúng ta phải hướng tới mô hình “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn”, phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương và nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói việc sắp xếp lần này không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính, mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế. Cho nên về bản chất đây chính là cuộc cách mạng tổ chức lại lãnh thổ quốc gia cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong bối cảnh một thế giới phẳng với vai trò quyết định của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và trí tuệ nhân tạo (AI).
Sáp nhập tỉnh lần này sẽ tạo ra không gian và dư địa phát triển mới, đồng thời sẽ khắc phục được hàng loạt vấn đề tồn tại trong liên kết vùng và liên thông tự nhiên giữa các khu vực. Đồng thời cũng phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa nội tỉnh, tạo lợi thế phát triển mới, thu hút nhiều vốn đầu tư hơn, xóa bỏ được các hạn chế của bệnh “hội chứng” trong phát triển và tình trạng phân mảnh lãnh thổ tự nhiên – là nền tảng duy trì phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, tôi cho rằng khi sáp nhập tỉnh nên ưu tiên sáp nhập tỉnh ven biển với tỉnh trên lưu vực sông lân cận để tạo tạo ra “thế và lực mới” cho các địa phương phát triển toàn diện, vững chắc, gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Dải ven biển nước ta được xác định là vùng kinh tế động lực, đó không chỉ là hậu phương, bàn đạp tiến ra biển xa, tạo không gian phát triển kinh tế biển, đảo mà còn có ảnh hưởng sâu rộng vào các khu vực lãnh thổ đất liền của tỉnh sau sáp nhập.
Khi sáp nhập tỉnh thì cần rà soát, điều chỉnh các quy hoạch tỉnh/thành phố được sáp nhập đặt trong bối quy hoạch vùng quốc gia mà tỉnh phụ thuộc. Ảnh minh họa: NGUYỄN TIẾN
Loại bỏ những định hướng quy hoạch không còn phù hợp
. Vậy theo ông, để hiện thực hóa những nội dung nêu trên thì những yếu tố trọng điểm cần chú trọng là gì, có điều gì phải lưu ý?
+ Để tận dụng “thời cơ vàng” và triển khai theo cách “vừa chạy vừa xếp hàng” thì yếu tố thời gian mang tính quyết định, nhất là việc điều chỉnh các luật, chính sách liên quan, kể cả Hiến pháp. Cho nên, để phục vụ kịp thời việc sáp nhập tỉnh, thành phố, xã và không tổ chức cấp huyện thì chỉ tập trung sửa đổi những quy định của Hiến pháp có liên quan, có trọng tâm, trọng điểm.
Việc đặt tên tỉnh và trung tâm hành chính tỉnh có nhiều cách và phải cân nhắc các tiêu chí khác nhau nhưng không thể cầu toàn. Trong đó nên chọn giữ nguyên tên của một tỉnh, TP được sáp nhập để tiết giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm kinh phí khi phải thay đổi quá nhiều “giấy tờ” của công dân theo tên tỉnh mới sau sáp nhập.
Tương tự, tên của trung tâm hành chính cấp tỉnh cũng nên chọn một cái tên có sẵn nếu thỏa mãn các tiêu chí theo quy định. Lưu ý rằng, ngoài trung tâm hành chính tỉnh thì có thể có hơn một đến nhiều khu đô thị - kinh tế với tư cách là các “cực phát triển” trong bình đồ không gian phát triển mới của tỉnh.
Sau sáp nhập tỉnh cần củng cố và ổn định ngay bộ máy chính quyền địa phương theo yêu cầu, tiêu chí mới. Sửa đổi và ban hành cơ chế, chính sách vận hành bộ máy mới, cũng như các chính sách an sinh xã hội.
Cạnh đó, phải rà soát, điều chỉnh các quy hoạch tỉnh/thành phố được sáp nhập đặt trong bối quy hoạch vùng quốc gia mà tỉnh phụ thuộc. Chúng ta cũng cần mạnh dạn lược bỏ hoặc cắt bỏ các định hướng trong quy hoạch cũ không còn thích hợp với phương án tổ chức đơn vị hành chính lãnh thổ mới để tập trung nguồn lực, tạo đột phá phát triển.
Tỉnh, thành mới được điều hành và quản trị trong bối cảnh một “thế giới phẳng” nên cần ưu tiên thiết lập hạ tầng số và nền tảng AI để vượt qua các rào cản của quá trình điều hành, quản trị đã vấp từ những lần sáp nhập trước đây.
Cuối cùng, theo tôi, chúng ta cần thống nhất, tạo sự đồng thuận về nhận thức và tầm nhìn mới cho toàn thể người dân trong tỉnh, TP mới sáp nhập để cùng nhau xây dựng địa phương giàu, mạnh và hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
. Xin cảm ơn ông.
CHÂN LUẬN thực hiện
Nguồn PLO : https://plo.vn/sap-nhap-tinh-thanh-huong-ra-bien-tao-the-va-luc-moi-cho-cac-dia-phuong-post841459.html