Sáp nhập tỉnh, xã xong mới ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên

Sáp nhập tỉnh, xã xong mới ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 24-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2026.
Cần đánh giá tổng thể
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên là nhằm thực hiện các chủ trương mới, liên quan trực tiếp tới phân bổ chi thường xuyên NSNN như việc sắp xếp tổ chức bộ máy, miễn học phí, đảm bảo trật tự, an ninh, quốc phòng, ưu tiên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giáo dục – đào tạo,…
Đây sẽ là căn cứ để Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2026; xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu và số bổ sung từ NSTW cho từng địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình của Chính phủ. Ảnh: QH
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra cho biết đa số ý kiến đề nghị chưa xem xét, ban hành nghị quyết vào thời điểm này. Vì theo tờ trình, thời điểm 30-4-2025 là thời điểm lấy làm căn cứ để xác định các chỉ tiêu, định mức liên quan đến đơn vị hành chính quy định tại dự thảo nghị quyết.
Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế, căn cứ vào các văn bản sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền thì việc sắp xếp lại bộ máy sẽ có nhiều thay đổi sau thời điểm 30-4-2025.
"Vì vậy, thời điểm xây dựng phương án về định mức phân bổ như tờ trình của Chính phủ là chưa phù hợp", ông Mãi nói.
Theo ông Mãi, khi có sự thay đổi sau sắp xếp bộ máy, địa giới hành chính, việc áp dụng định mức tại các địa phương này không chỉ là việc thực hiện cộng "cơ học" mà cần được đánh giá tổng thể, có gắn với yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, đầu mối quản lý và nhu cầu phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn có địa giới hành chính mới.
Việc áp dụng nhiều định mức khác nhau trên địa bàn một xã sau khi sáp nhập có thể gây khó khăn trong quản lý, điều hành.
Sau khi sắp xếp bộ máy chính trị, địa giới hành chính, việc xác định phân loại bốn vùng theo các quyết định của Thủ tướng trước đó có thể sẽ không còn phù hợp, theo đó không đủ căn cứ pháp lý để làm cơ sở xây dựng định mức phân bổ áp dụng trong năm 2026 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, một số định mức liên quan đến nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên trong dự thảo Nghị quyết đang được sửa đổi tại Luật NSNN mà Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Một số chính sách mới dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 có tác động đến các tiêu chí, định mức chi thường xuyên tại các địa phương.
Sau kỳ họp thứ 9 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá tờ trình chưa đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành.
"Không nên dập khuôn nội dung cũ một cách cứng nhắc mà phải căn cứ tình hình sắp xếp, sáp nhập tỉnh - thành, xã, kết thúc cấp huyện để đưa ra tiêu chí cho sát", ông Mẫn gợi mở.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói cần căn cứ tình hình sáp nhập tỉnh - thành, xã để đưa ra tiêu chí phân bổ định mức chi thường xuyên NSNN. Ảnh: QH
Do đó, nếu Quốc hội thông qua đề án sáp nhập tỉnh - thành, xã thì các cơ quan liên quan cân nhắc thời điểm thông qua nghị quyết này cho phù hợp.
"Nếu lùi sau kỳ họp thứ 9, liệu có kịp điều chỉnh, hoàn thiện các nội dung để kịp thời xây dựng cơ sở ngân sách năm 2026, dự toán chi của bộ, ngành, cơ quan hay không? Nếu vẫn trình tại thời điểm này thì xử lý các vấn đề để đảm bảo thống nhất với Luật NSNN và việc sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền, chính sách miễn giảm học phí… như thế nào. Nếu vậy, cần có các điều khoản chuyển tiếp trong chính nghị quyết để xử lý", Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại thời điểm này là thực hiện theo Luật NSNN.
Thực tế, nếu tờ trình được phê duyệt, Chính phủ sẽ có thời gian để trình Quốc hội giao chỉ tiêu nhiệm vụ, đặc biệt là dự toán chi NSNN năm 2026.
Thừa nhận hiện tại có một số vấn đề chưa lường hết được và nếu lùi lại sẽ bao quát được đầy đủ hơn các nội dung phát sinh mà Bộ Chính trị chỉ đạo, song ông Thắng cho rằng nếu để sau kỳ họp thứ 9 mới thông qua nghị quyết thì sẽ hơi cập rập.
"Có thể ban hành trước nghị quyết và điều chỉnh các vấn đề phát sinh sau", ông Thắng nói.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ cập nhật tình hình, bám sát việc sửa đổi các luật, nghị quyết liên quan được thông qua trong kỳ họp thứ 9, tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành sau kỳ họp thứ 9.
"Đây là nội dung quan trọng. Chính phủ nói là cần thiết vì để dự toán ngân sách thì phải có định mức. Song khi lập định mức mà thiếu cơ sở thì việc dự toán khó chính xác. Do đó, nên chậm lại một bước sau kỳ họp thứ 9", ông Hải nhấn mạnh.
CHÂN LUẬN
Nguồn PLO : https://plo.vn/sap-nhap-tinh-xa-xong-moi-ban-hanh-dinh-muc-phan-bo-chi-thuong-xuyen-post846290.html