Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu (cũ) đã thay bảng tên, đổi thành Trung tâm y tế khu vực Vĩnh Cửu. Ảnh: Hồ Hoài
Theo đó, tại các tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập, đối với cơ sở y tế cấp tỉnh, Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát, thống kê toàn bộ trụ sở, cơ sở vật chất và tài sản hiện có, đánh giá mức độ phù hợp của cơ sở hạ tầng hiện tại với yêu cầu hoạt động và quy mô dân số của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.
Đối với cơ sở y tế cấp huyện trước đây, thực hiện giữ nguyên trụ sở, nhà đất, tiếp tục duy trì hoạt động và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của cấp có thẩm quyền để đảm bảo tính liên tục trong cung cấp dịch vụ y tế để chăm sóc sức khỏe người dân.
Đối với các trạm y tế xã, phường, tập trung củng cố, nâng cao năng lực các trạm y tế hiện có tại đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, ưu tiên sử dụng trạm phù hợp để duy trì hoạt động y tế, đảm bảo người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ ban đầu
Trường hợp có nhiều trạm y tế tại cùng một đơn vị hành chính cấp xã mới, ưu tiên lựa chọn nơi có vị trí thuận lợi, cơ sở vật chất tốt nhất làm cơ sở chính.
Các cơ sở còn lại, địa phương rà soát để bố trí tiếp tục hoạt động, đáp ứng yêu cầu với chức năng, nhiệm vụ theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân.
Trường hợp cần thiết, cần xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm diện tích cho cơ sở chính từ các cơ sở dôi dư sau sắp xếp để đảm bảo phù hợp với yêu cầu và chức năng, nhiệm vụ mới.
Sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Đồng Nai mới có 17 bệnh viện, cơ sở y tế cấp tỉnh; 22 trung tâm y tế khu vực. Với 95 xã, phường sau sáp nhập, tỉnh dự kiến sẽ bố trí 95 điểm trạm chính và sắp xếp các trạm y tế của các xã, phường, thị trấn trước khi sáp nhập để đảm bảo phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn.
Hạnh Dung