TS. Cù Văn Trung cho rằng, việc sắp xếp lại giang sơn là để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. (Ảnh: CGCC)
Dẫn dắt dân tộc bằng sức mạnh nội sinh
Từ ngày 1/7/2025, 34 tỉnh, thành trên cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã, sau thời gian chạy thử nghiệm. Đây sẽ là dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình cải cách nền hành chính.
Tầm vóc và ý nghĩa chiến lược của bước đi này đối với sự phát triển của Việt Nam trong dài hạn không chỉ là gọn nhẹ bộ máy mà còn ở khía cạnh phát triển mạnh mẽ hơn.
Một dân tộc biết tập hợp sức mạnh của nhân dân để thực hiện những đòi hỏi của thời đại mới, chính là một dân tộc dũng cảm, anh hùng. Ở đây, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những người cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam giai đoạn nay. Đảng ta đang thực hiện cuộc cải cách có tính chất cách mạng về mô hình của hệ thống chính trị.
Những gì đã thể hiện thời gian qua, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về Đảng, về những nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay bởi tư tưởng cấp tiến và đổi mới. Thời đại mới, mỗi quốc gia, dân tộc phải định vị lại mình, định hình những giá trị của mình. Nói như vậy có nghĩa, dân tộc ta đang phục hưng đất nước, Đảng ta đang dẫn dắt dân tộc Việt Nam bằng chính sức mạnh nội sinh và năng lực nội tại của người Việt.
Người ta cứ nói tới “chiếc áo quá chật” đổi mới thể chế để mở rộng không gian phát triển, các địa phương có dư địa và cơ hội vươn mình. Tôi cho rằng, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Một ý nghĩa có giá trị hơn nữa mà ít người đề cập đó là sự tan rã của các nhóm lợi ích.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, bằng thời gian đủ dài, bằng sự thông thạo các thủ thuật và duy trì một mô hình hệ thống quá lâu, chậm cải cách và công tác kiểm soát quyền lực thiếu chuyên nghiệp sẽ là mảnh đất, môi trường thuận lợi cho các phần tử cơ hội, những nhóm lợi ích... Do đó, cuộc cách mạng này không có chỗ cho sự lừng chừng, cơ hội, mọi sự thay đổi đều hướng tới mục đích là phục vụ lợi ích của nhân dân như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần phát biểu.
"Miền đất mới" để bứt phá
Sự thay đổi về địa giới hành chính và cơ cấu nhân sự chắc chắn sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức. Thực tế có nhiều cơ hội lớn mà các đơn vị hành chính sau sáp nhập có thể tận dụng để bứt phá. Trong đó, cơ hội lớn nhất chính là sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cơ chế phân cấp, phân quyền mà Đảng ta chủ trương, chỉ đạo.
Có con người (nguồn nhân lực), có lực lượng, có tài nguyên và có vốn liếng trong nhân dân, mỗi địa phương chính là một kho tiềm năng và Trung ương giao phó tính chủ động đó cho các chính quyền cơ sở, tỉnh và thành phố khai mở, khai thác để phát triển.
Cơ hội ở chỗ đó, tỉnh nào phát huy được, làm được thì thể hiện được sự năng động, bản lĩnh của mình; không còn tình trạng đùn đẩy, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, khó quy trách nhiệm. Giờ đây, bộ máy tinh gọn hơn, nhân lực chất lượng hơn, ngân sách và tiềm lực trong nhân dân sẵn có hơn. Đấy là những "miền đất mới" để cán bộ bứt phá, dẫn dắt nhân dân, để mỗi tỉnh thành sẽ ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những thách thức trọng yếu cần được nhận diện và cần có giải pháp ứng phó hiệu quả để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững.
Thách thức ở đây có hai dạng, một là thách thức trong công tác vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mới. Chúng ta tạm gọi là thách thức có chất lượng thường xuyên, vi mô. Đó chính là những khó khăn trong việc đồng bộ, kiện toàn và hoàn thiện các thủ tục, cơ chế và chính sách của các đầu công việc, các ngành, các cấp. Khó khăn về nắm địa bàn, địa lý để quản lý, về ổn định công tác, tìm hiểu văn hóa, phong tục và những đặc thù, nét riêng cũng như hạn chế và thế mạnh của cơ sở đối với những người lãnh đạo, quản lý và cán bộ công vụ…
Thách thức có tính chất lớn hơn, vĩ mô hơn đã được người đứng đầu Đảng ta nhận diện, chỉ ra, đồng thời nêu lên các biện pháp nhằm kêu gọi sự đồng thuận trong nhân dân, chính là cần thiết kêu gọi tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc trong hành trình này.
Không ít tâm tư, khúc mắc và động chạm lợi ích ở các mức độ khác nhau. Tồn tại các dạng tâm lý như thế, ít nhiều gây lên những trở ngại, thách thức, thậm chí có các nhóm lợi ích, các thế lực thù địch chống phá, đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở mức độ tầm vĩ mô đối với Đảng ta.
Ngoài việc nắm vững các công cụ chuyên chính vô sản (lực lượng vũ trang) để tiến hành đồng thời các cuộc cải cách chính trị, kinh tế thì sự động viên, yếu tố mềm để kêu gọi sự đoàn kết trong mọi tầng lớp nhân dân và các lực lượng xã hội được Đảng ta hết sức lưu tâm, chú ý.
Người dân làm thủ tục hành chính trong ngày đầu vận hành mô hình mới. (Ảnh: Lưu Hương)
Địa phương thích nghi, phát huy lợi thế sau sáp nhập
Để quá trình sáp nhập diễn ra thành công và thực sự là "khởi đầu cho một vận hội phát triển mới", Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ các địa phương thích nghi, phát huy lợi thế sau sáp nhập. Vai trò của việc sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới cũng là yếu tố quan trọng.
Trong các đạo Luật cũng đang dần được sửa đổi và có quy định, có lưu ý đến các địa phương đặc thù và các đặc khu. Cụm từ "đặc khu" gần đây được nhắc đến nhiều chính là thể hiện tư duy, tư tưởng ấy của Đảng ta. Nơi nào cần cởi mở hơn, cần cơ chế thông thoáng hơn, các địa phương có đủ tiêu chí, tiêu chuẩn là đặc thù thì xây dựng chính sách, xây dựng các kịch bản và mô hình phát triển để trình cấp cao hơn, trình Trung ương và Quốc hội xem xét, phê duyệt.
"Giờ đây, bộ máy tinh gọn hơn, nhân lực chất lượng hơn, ngân sách và tiềm lực trong nhân dân sẵn có hơn. Đấy là những 'miền đất mới' để cán bộ bứt phá, dẫn dắt nhân dân, để mỗi tỉnh thành sẽ ngày càng phát triển".
Đảng ta thường xuyên nhấn mạnh đến vai trò của địa phương bằng các cụm từ như “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” đương nhiên là dựa trên các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật.
Vấn đề về câu chuyện cán bộ với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Người ta đặt ra câu hỏi về chất lượng cũng như hiệu quả làm việc của đội ngũ này khi sáp nhập, sắp xếp. Tôi cho rằng, tất cả đều phải vừa học, vừa làm, vừa đào tạo, đúng kiểu "vừa chạy vừa xếp hàng".
Chúng ta đang đi những chặng đường mới, hành trình mới. Vì thế, bằng kinh nghiệm vốn có, mỗi cán bộ, mỗi người dân đều phải tự làm mới các kỹ năng của mình trong quá trình thực thi công vụ. Quá trình bồi dưỡng đào tạo cán bộ là quá trình hai chiều. Bộ Nội vụ hay các trường Chính trị đều xây dựng giáo trình, học liệu từ thực tiễn, từ cơ sở. Chính đội ngũ cán bộ phải là những người làm mới, đóng góp vào công tác bồi dưỡng nghiệp vụ ấy.
Trong công cuộc cải cách chính trị có tính chất cách mạng này, nói một cách ví von là những nhà lãnh đạo đất nước cũng rất tài hoa khi vừa phải “đánh cờ, vừa phải đẽo quân”. Nếu chỉ trông chờ mọi việc vào công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trung ương, Bộ Nội vụ, Trường, lớp thì mỗi cán bộ chưa thực sự "chuyển mình". Do đó, cùng với việc chờ đợi tập huấn thì mỗi cán sự, chuyên viên hãy phản hồi, góp ý vào quy trình hoàn thiện mô hình của hệ thống chính quyền 2 cấp với cơ quan, đơn vị đào tạo, bồi dưỡng có thẩm quyền.
Sự sáp nhập các đơn vị hành chính hướng tới một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và bền vững. Sẽ có những tác động cụ thể đến đời sống người dân ở các địa phương sau sáp nhập, đặc biệt là về kinh tế, văn hóa và xã hội. Điều quan trọng là làm thế nào để đảm bảo người dân được hưởng lợi tối đa từ quá trình này và chung tay xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Chúng ta thấy bắt đầu lộ rõ những ưu việt của mô hình chính quyền 2 cấp, từ việc cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng, công chứng, làm các thủ tục hành chính khác, mọi thứ đều rất nhanh, rất rõ ràng và minh bạch. Dường như nhân dân có thiện cảm nhiều hơn với chính quyền, với cán cán bộ. Người người, nhà nhà hòa cùng khí thế mới, tâm thế mới của đất nước. Vì vậy, sự tín nhiệm của nhân dân và xã hội với Đảng, Nhà nước ngày càng tăng lên.
Khi người dân và xã hội hòa cùng với dòng chảy của đất nước, của Đảng, cùng hướng tới mục tiêu vì quyền lợi của nhân dân thì xã hội có “muôn vàn ngã rẽ" để người dân có cách thụ hưởng trái ngọt mà cơ chế, chính sách do Đảng và Nhà nước Việt Nam tiến hành.
TS. Cù Văn Trung