Bến phà Tân Phú trên Quốc lộ 57B, qua sông Hàm Luông, nối huyện Châu Thành với huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre). Ảnh: BĐT
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre để trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh này.
Trước đó, cử tri tỉnh Bến Tre gửi bản kiến nghị: “Kiến nghị sớm xem xét hỗ trợ đầu tư trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 các công trình giao thông bức xúc để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bến Tre”.
Các công trình này gồm: Xây dựng mới cầu An Hóa 2 và đường dẫn hai bên trên Quốc lộ 57B; nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng (Km49+650 - Km103+283); xây dựng cầu Tân Phú thay thế phà Tân Phú (Km2+299 - Km3+279) trên Quốc lộ 57B; nâng cấp đoạn 2, 3, 4 thuộc dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng 4 đoạn tuyến Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, tỉnh Bến Tre theo hình thức hợp đồng BOT; xây dựng cầu Hàm Luông 2 và đường dẫn vào cầu.
Cần xây dựng cầu thay thế phà Tân Phú
Trả lời kiến nghị trên, Bộ Xây dựng cho biết, về đầu tư các cầu trên tuyến Quốc lộ 57B, theo quy hoạch, Quốc lộ 57B dài 87 km, quy mô cấp III-IV, 2- 4 làn xe; quy mô hiện trạng mặt đường từ 6-8m, trên tuyến vẫn còn một vị trí vượt sông Hàm Luông (phà Tân Phú) chưa được xây dựng cầu.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam đầu tư công trình “Sửa chữa đột xuất chống xói lở Trụ T2 cầu An Hóa Km37+677, Quốc lộ 57B, tỉnh Bến Tre” với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. Công trình được thi công và hoàn thành trong quý I/2025.
Bộ Xây dựng thống nhất với đề nghị của cử tri tỉnh Bến Tre về sự cần thiết nghiên cứu, lập Dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Phú nhằm thay thế phà Tân Phú và công trình Cầu An Hóa 2 trên Quốc lộ 57B. Đây là các công trình đáp ứng nhu cầu vận tải dự kiến sẽ tăng cao khi Khu công Nghiệp Phú Thuận đi vào hoạt động, phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre nói riêng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
“Bộ Xây dựng ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre rà soát, triển khai thủ tục bàn giao các tuyến quốc lộ sẽ phân cấp cho UBND cấp tỉnh, trong đó có Quốc lộ 57B. Vì vậy, đề nghị địa phương ưu tiên cân đối, bố trí vốn đầu tư các cầu trên tuyến Quốc lộ 57B như kiến nghị của cử tri nêu trên và Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường trong giai đoạn 2026 – 2030”, Bộ Xây dựng thông tin.
Tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp Quốc lộ 57
Đối với Dự án nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng (Km49+650 - Km103+283), Bộ Xây dựng cho biết đã hoàn thành đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, dài 39,2 km; tổng mức đầu tư 940 tỷ đồng và đưa vào khai thác sử dụng năm 2022.
Bộ Xây dựng cũng thống nhất về sự cần thiết tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn Mỏ Cày đến Khâu Băng để bảo đảm đồng bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bộ Xây dựng ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre rà soát, triển khai thủ tục bàn giao các tuyến quốc lộ sẽ phân cấp cho UBND cấp tỉnh, trong đó có Quốc lộ 57.
“Vì vậy, đề nghị địa phương ưu tiên cân đối, bố trí vốn đầu tư Quốc lộ 57 đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng như kiến nghị của cử tri nêu trên và Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường trong giai đoạn 2026 – 2030”, Bộ Xây dựng nêu ý kiến.
Rút ngắn 80 km di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP. Hồ Chí Minh
Về đầu tư các dự án trên tuyến Quốc lộ 60, theo Quy hoạch, Quốc lộ 60 có điểm đầu tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, điểm cuối giao với Quốc lộ 61B tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, dài khoảng 147 km, quy mô quy hoạch cấp II-III, 2-6 làn xe.
Bộ Xây dựng cho biết, những năm qua đã hoàn thành đầu tư nhiều công trình thuộc tuyến Quốc lộ 60 trên địa bàn tỉnh Bến Tre như Cầu Rạch Miễu, Cầu Hàm Luông, Cầu Cổ Chiên, nâng cấp các đoạn tuyến từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên và hiện nay đang đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 để đáp ứng nhu cầu vận tải.
“Trong giai đoạn đến năm 2030, Bộ Xây dựng xác định sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để hoàn thành đầu tư cầu Đại Ngãi và các đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng theo quy hoạch được duyệt. Sau khi hoàn thành các công trình nêu trên, nối thông toàn tuyến sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và giảm quãng đường đến 80 km so với tuyến Quốc lộ 1 khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP. Hồ Chí Minh”, Bộ Xây dựng cho hay.
Bộ Xây dựng cũng ghi nhận ý kiến về việc xem xét đầu tư mở rộng cầu Hàm Luông và cho biết sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng khi có điều kiện về nguồn lực và nhu cầu vận tải trên tuyến tăng cao.
Đối với việc nâng cấp đoạn 2, 3, 4 thuộc Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng 4 đoạn tuyến trên Quốc lộ 60, Bộ này đề nghị tỉnh bến Tre tiếp tục nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP; trường hợp không khả thi, sau khi dự án hết thời hạn thu phí (sau năm 2027), Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre huy động các nguồn vốn để thực hiện đầu tư mở rộng tuyến Quốc lộ 60.
“Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Bến Tre chủ động rà soát, xắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án để tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư công trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030”, Bộ Xây dựng đề nghị.
Lưu Thủy