Rà soát, kiểm tra thuốc giả Cefixim 200mg tại một nhà thuốc ở TP. Huế. Ảnh: Sở Y tế
Lo lắng, cảnh giác
Việc khởi tố, bắt nhiều đối tượng trong đường dây sản xuất, mua bán sữa giả, thuốc giả quy mô gây rúng động trong cộng đồng. Bộ Công an thông tin về 12 sản phẩm sữa được xác định là hàng giả và 72 sản phẩm sữa đang được tiếp tục điều tra của doanh nghiệp sai phạm. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, như quản lý và giám sát thực phẩm chức năng; quyền lợi người tiêu dùng, nhất là nhóm người yếu thế; đạo đức kinh doanh; người nổi tiếng quảng cáo sữa/ thuốc; trách nhiệm pháp lý và hình sự…
Hoang mang nhất là những bà mẹ bởi một số lượng nhãn hiệu sữa giả của Rance Pharma, Hacofood đưa ra thị trường dành cho trẻ nhỏ. Chị H.N.U.T. ở Thủy Bằng, quận Thuận Hóa bức xúc: “Tôi có mua thực phẩm bổ sung can-xi cho người già trong nhà. Mỗi lần thấy danh mục công bố tên sữa trong quá trình điều tra, tôi hồi hộp quá chừng. Bà con của tôi còn mua sữa dinh dưỡng qua mạng dành cho người tiểu đường và đau xương khớp. Mua và uống hết 11 lon rồi mà có hiệu quả gì đâu”.
Mới đây, trên nhóm Hội Thanh lý đồ dùng mẹ và bé Huế 75, một bà mẹ đăng tải hình ảnh sữa Bold milk được bác sĩ ở phòng khám trên đường N.C.T. (phường Phú Hội, quận Thuận Hóa) kê đơn. Sữa này nằm trong 600 loại sữa giả mà lực lượng chức năng vừa phát hiện. Chị T.M. một bà mẹ khác kể, hai năm trước, con chị lúc 6 tháng bị ho, đi khám thì bác sĩ bảo mua sữa này. “Do uống thuốc bác sĩ kê và uống thêm loại sữa nói trên, con chị bị đau bụng cả tuần. May ở quê xa không có sữa này để mua chơ ở gần, mù quáng chắc sẽ mua thêm vài lon”, chị phân trần.
Vụ việc sữa giả nói trên tác động tâm lý người tiêu dùng. Tại một cửa hàng tạp hóa quy mô lớn nằm trên đường Đặng Huy Trứ, phường Phước Vĩnh, quận Thuận Hóa, sức mua giảm hơn 30% so với trước. “So với cùng kỳ năm 2024 cũng như quý I/2025, lượng khách đến mua ít hơn. Nguyên nhân là vì người dân băn khoăn liệu loại sữa mình đang cho con uống có đảm bảo chất lượng không. Một số người chuyển từ sữa sang dùng các thực phẩm bổ sung khác. Sau khi Bộ Y tế và Bộ Công an công bố danh sách các loại sữa giả, kém chất lượng, chúng tôi tìm hiểu kỹ và kiểm tra từng loại sản phẩm mình đang bán và sẽ tiếp tục cập nhật thông tin từ cơ quan chức năng”, anh Nguyễn Minh Trí, chủ cửa hàng chia sẻ.
Nhiều người tiêu dùng dè dặt khi lựa chọn mua sữa cho gia đình. Ảnh: T. Hương
Sau vụ việc bắt giữ sữa giả, hai bệnh viện ở phía bắc qua rà soát đã dừng tư vấn và thu hồi hai loại sữa Hofumil Gold Plus, Hapomil của doanh nghiệp vi phạm lọt vào đơn vị qua đấu thầu. Tại Huế, đến thời điểm này, chưa có báo cáo cụ thể song từng xuất hiện tình trạng lợi dụng thông tin, uy tín ngành y tế chào mời mua sữa, thực phẩm chức năng. Đây cũng là kẽ hở trong giám sát nội bộ bệnh viện cần được kiểm soát.
Anh Trần V.Đ. ở bờ nam sông Hương cho hay, anh từng đưa mẹ đi tái khám nhận thuốc tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thì hôm sau nhận được số điện thoại lạ gọi đến. Người này biết rõ bệnh tình của mẹ anh, đồng thời mời mua thực phẩm chức năng là một loại sữa có tên nước ngoài. Mặc dù từ chối nhưng liên tục vài ngày sau, anh tiếp tục nhận cuộc gọi gạ gẫm mua hàng với nội dung như cũ. Bực tức, anh dọa báo cơ quan chức năng về việc lộ thông tin bệnh nhân, người kia mới ngừng liên hệ.
Tiếp nhận thông tin trên, ThS.BSCKII. Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế cho biết sẽ kiểm tra có hay không việc mạo danh, lợi dụng uy tín cán bộ nhân viên y tế trong mua bán các thực phẩm chức năng để chấn chỉnh kịp thời.
Còn chị T.M.H., một người bệnh ở quận Thuận Hóa, cũng rơi vào cảnh tương tự. Sau khi đi khám, siêu âm tại BV Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế, chị nhận được cuộc gọi, tin nhắn tư vấn mua một loại thực phẩm chức năng giúp thải độc, thanh lọc cơ thể với giá 800-850 ngàn đồng/ hộp. Vì kinh tế khó khăn, chị từ chối lời mời mua sản phẩm.
Hậu kiểm kỹ, xử lý nghiêm
Mới đây, Bộ Y tế có công văn yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong khám, chữa bệnh.
Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm sữa tại một cửa hàng
Là đơn vị y tế tuyến cơ sở, ThS.BS. Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm y tế Phú Lộc cho hay: Thực hiện phân cấp, hàng năm, đơn vị đều tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thuốc tân dược. Qua rà soát, hiện trong bệnh viện không bán các loại sữa, còn thuốc được tổ chức thông qua đấu thầu bài bản. Hàng năm, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đều về lấy mẫu kiểm nghiệm, không phát hiện sản phẩm giả hay kém chất lượng.
Tại BVTW Huế, lãnh đạo đơn vị tiếp tục tăng cường triển khai rà soát, kiểm tra việc kê đơn thuốc có các sản phẩm không phải là thuốc (sữa, thực phẩm chức năng)... rà soát việc thông tin, quảng cáo, tư vấn bán các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho người bệnh, người nhà… theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Trước đó, bộ phận pháp chế tiến hành thường xuyên tổ chức kiểm tra nhằm rà soát nguồn gốc, giá cả, niêm yết… các mặt hàng nói trên. “Nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Tuyệt đối không bao che, dung túng các hành vi sai phạm”, ThS.BSCKII. Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BVTW Huế nói.
Liên quan đến yêu cầu rà soát sữa giả từ Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố khẳng định, từ năm 2021 đến nay, Sở không tiếp nhận bất kỳ bản công bố sản phẩm nào của 11 công ty theo danh sách như Công văn yêu cầu rà soát của Cục An toàn thực phẩm gửi các địa phương. Đơn vị cũng không tiếp nhận bất kỳ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của 11 công ty này.
Trong công tác kiểm tra tân dược, theo ThS.BS. Trần Đình Oanh, Chánh Thanh tra Sở Y tế, năm 2024, Thanh tra Sở Y tế phát hiện một số sai phạm, xử lý theo quy định pháp luật. Đặc biệt, lực lượng này đã phát hiện thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả tại nhà thuốc P.K. loại thuốc bị các cơ quan chức năng Thanh Hóa thu giữ vừa qua. Quý 1 năm 2025, Sở Y tế thành lập một đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định liên quan nguồn gốc, chất lượng thuốc; giá thuốc… kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm tại 21/23 cơ sở, chưa phát hiện thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
PGS.TS.BS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở đã có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường quản lý sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố, xây dựng kế hoạch hậu kiểm, triển khai hậu kiểm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.
Trước phản ảnh của báo chí về phòng khám chuyên khoa Nhi của bác sĩ B.B.B.S trên đường N.C.T. như đã nêu, Sở Y tế tiến hành kiểm tra phòng khám này. Qua kiểm tra, phòng khám có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh chuyên khoa Nhi; chưa phát hiện việc bán thuốc hoặc bán sữa tại phòng khám.
Tại thời điểm kiểm tra, nhà thuốc N. Ng. cùng địa chỉ với phòng khám có kinh doanh 1 sản phẩm dinh dưỡng công thức Nestlé NAN Supremepro 1 của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, dành cho trẻ từ 0-3 tuổi (có lưu giữ bản công bố sản phẩm và giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm). Theo giải trình của chủ cơ sở, trước đây nhà thuốc có kinh doanh 2 loại sữa công thức dành cho trẻ từ 0-3 tuổi, gồm: Sản phẩm dinh dưỡng công thức Bold milk Lacto Free Colostrum 1+ của Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và sản phẩm dinh dưỡng công thức Nestlé NAN Supremepro 1 của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam. Sau khi nghe thông tin về các loại sữa không đảm bảo chất lượng, cơ sở đã thu hồi số sản phẩm còn tồn và trả lại nhà sản xuất.
NHÓM PHÓNG VIÊN