Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong quý đầu năm 2025. Theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2024.
“Hố đen” hút tiền
Vốn FDI tiếp tục chảy mạnh đang là cảm hứng chủ đạo cho nhiều doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp trong nước mở rộng quy mô, đón sóng đầu tư từ các “đại bàng” quốc tế.
Ngày 26/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tham dự lễ khởi công dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình theo hình thức trực tuyến. Dự án có quy mô 333,4 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.932 tỷ đồng.
Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - Công ty cổ phần (GVR) và Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp - Sonadezi (SNZ) đã đề xuất với tỉnh Bình Thuận về việc triển khai thêm các dự án khu công nghiệp, hoặc mở rộng khu công nghiệp hiện hữu.
Bất động sản công nghiệp dự báo sẽ thêm thách thức khi đòn thuế từ Hoa Kỳ có hiệu lực.
Trong một diễn biến khác, Viglacera Yên Mỹ - công ty con của Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần (mã VGC) vừa khởi công Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng tại tỉnh Khánh Hòa vào ngày 2/4/2025. Dự án có quy mô 288 ha, vốn đầu tư hơn 1.807 tỷ đồng.
Tương tự, sau năm 2024 lãi kỷ lục hơn 1.996 tỷ đồng, bước sang năm 2025, Tổng công ty IDICO (IDC) dự kiến khởi công xây dựng Khu công nghiệp Tân Phước 1 rộng 470 ha tại Tiền Giang và Khu công nghiệp Vinh Quang - giai đoạn 1 rộng 226 ha tại Hải Phòng.
Đáng chú ý, các dự án mới của IDC được dự báo có thể đưa vào kinh doanh với tiến độ “thần tốc” ngay trong năm 2026 khi quá trình giải phóng mặt bằng được kỳ vọng tiến hành thuận lợi.
Có thể thấy, với dư địa khổng lồ, bất động sản công nghiệp đang tạo hấp lực lớn với không chỉ các nhà phát triển hiện hữu mà đang thu hút những tay chơi mới hùng mạnh. Phân khúc này thực tế cũng đang đem lại khoản lợi nhuận kếch xù.
Theo Chứng khoán MBS, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) của ông Đặng Thành Tâm có thể tăng lãi hơn 500% khi bàn giao 30 ha đất tại khu Nam Sơn - Hạp Lĩnh cho Goertek.
Sonadezi Châu Đức và Becamex cũng có thể tăng lợi nhuận quý I hơn 60%. Trong đó, lợi nhuận của Becamex đến từ bàn giao đất tại khu công nghiệp Bàu Bàng và Bàu Bàng mở rộng.
Sóng gió sắp ập đến?
Nhóm phân tích của MBS kỳ vọng bất động sản khu công nghiệp năm nay hưởng lợi từ dòng vốn FDI trở lại nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất theo chiến lược "Trung Quốc + 1" khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang.
Trong báo cáo mới đây, MBS Research cũng đánh giá, Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp nước ngoài đang dịch chuyển vốn đầu tư khỏi thị trường Trung Quốc nhờ vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng và sự cởi mở trong kinh tế và chính trị.
Trong đó, thị trường phía Bắc có nhiều lợi thế hơn trong việc thu hút vốn FDI so với thị trường phía Nam do có vị trí thuận lợi giáp với Trung Quốc, thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa với hệ thống cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ.
Tại thị trường phía Nam, nguồn cung quỹ đất khu công nghiệp mới sẽ được bổ sung sau khi 4 địa phương công nghiệp (Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu) có quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, bên cạnh việc chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp.
Rõ ràng, thời gian qua, bất động sản công nghiệp đang có “thiên thời địa lợi”. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể lâm vào thế khó khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam lên tới 46%.
Mức thuế “khủng” trên không chỉ tác động đến các mặt hàng truyền thống, mà ngành công nghệ của Việt Nam cũng có thể gặp áp lực lớn. Apple, công ty công nghệ lớn nhất thế giới, đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, với việc Việt Nam bị áp thuế 46%, các nhà cung ứng như Foxconn, Luxshare và Pegatron sẽ đối mặt với chi phí gia tăng đáng kể.
“Nếu mức thuế này được áp dụng, Apple và các hãng công nghệ sẽ phải đánh giá lại chiến lược sản xuất tại Việt Nam. Việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để né thuế giờ đây có thể không còn là một giải pháp tối ưu”, chuyên gia phân tích Dan Ives của Wedbush cảnh báo.
Thực tế trên đồng nghĩa với việc nhiều công ty đa quốc gia có thể tìm kiếm các lựa chọn sản xuất khác như Ấn Độ hoặc Mexico, khiến Việt Nam mất đi lợi thế thu hút đầu tư FDI, kéo theo việc các khu công nghiệp trong nước sẽ mất đi một lượng “đại bàng” không nhỏ.
Một minh chứng nhãn tiền có thể thấy ngay trong ngày 3/4 là sau chuỗi ngày hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đang chịu tác động lớn trên sàn chứng khoán. Hàng loạt cổ phiếu dẫn dắt thị trường “nằm sàn”.
Vẫn còn quá sớm để biết liệu đòn thuế của Hoa Kỳ có gây 'choáng' cho thị trường bất động sản công nghiệp hay không, nhưng những nguy cơ rõ ràng là đang hiện hữu. Theo đó, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các chuyên gia khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp cần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có trình độ. Bởi, ưu tiên hàng đầu hiện nay tại các khu công nghiệp là các lĩnh vực tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm lĩnh vực thâm dụng lao động.
Hưng Nguyên