Sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta chuyển mình để bước vào kỷ nguyên mới

Sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta chuyển mình để bước vào kỷ nguyên mới
5 giờ trướcBài gốc
+ Công cuộc đổi mới là một chặng đường quan trọng tạo nên diện mạo mới, vị thế mới của Việt Nam. Vậy đâu là những thành tựu đáng tự hào của quá trình đổi mới này, theo ông?
- Ông Võ Trí Thành: Gần 40 năm đổi mới là bước ngoặt lịch sử trong sự phát triển của Việt Nam và tạo nên kết quả rất rõ:
1. Từ nền kinh tế lạc hậu, bao cấp đã chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và giờ đây đã vươn lên trở thành một điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới.
2. Từ một nước nghèo đã trở thành nước thu nhập trung bình và đang tiệm cận thu nhập trung bình cao.
3. Từ một nước thiếu ăn, chúng ta đã trở thành nước xuất khẩu, và có được vị thế nước nông nghiệp có khả năng cạnh tranh cao và có những mặt hàng có vị thế trên trường quốc tế.
4. Nền kinh tế đang từ chủ yếu là nông nghiệp đã chuyển mạnh hơn sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
5. Từ một nền kinh tế khá là khép kín, Việt Nam trở thành một trong những nước hội nhập sâu rộng, độ mở rất lớn. Nhất là về thương mại, đầu tư: chỉ tính xuất khẩu thương mại hàng hóa thôi đã là 180% GDP. Tính cả hàng hóa, dịch vụ kỹ thuật đâu đó xấp xỉ 200% GDP.
6. Chúng ta đã công nhận kinh tế nhiều thành phần, thu hút đầu tư nước ngoài. Rõ nhất là sự hình thành và phát triển tại khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Và khu vực FDI trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam.
+ Những sáng tạo đột phá nào trong đổi mới đã tạo nên những thành tựu đó, thưa ông?
- Ông Võ Trí Thành:Bên cạnh những thành tựu, kết quả đó, chúng ta cũng còn nhiều điều va vấp, rất nhiều thách thức. Thất bại có. Thành công có. Có nắm bắt được cơ hội. Nhưng bỏ lỡ cơ hội cũng có. Nhưng phải nói rằng chúng ta đã đổi mới, đã chuyển đổi ở mức khá giỏi.
Chúng ta thực hiện đổi mới do tính thời điểm cũng có. Do sức ép từ bên ngoài cũng có. Và quan trọng nhất là do chuyển đổi tư duy.
Kinh tế tư nhân phát triển mạnh sau gần 40 năm đổi mới. Ảnh: H.Anh
Chúng ta đã chuyển đổi tư duy một cách căn bản trong quản lý và phát triển kinh tế. Tư duy ấy gắn với tư tưởng lớn và cũng là bản chất của cải cách kinh tế Việt Nam, đó là chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở rộng cơ hội lựa chọn và quyền kinh doanh cho người dân. Đi kèm theo đó là nâng cao năng lực: năng lực thể chế, năng lực bộ máy, năng lực doanh nhân, năng lực của mỗi con người Việt Nam, năng lực của người dân.
Sự chuyển biến tư duy thứ hai cũng rất mạnh mẽ và gắn với cải cách định hướng thị trường đó là tư duy: mở cửa hội nhập, mà mở cửa hội nhập thì có rủi ro. Dù nhiều khó khăn và thách thức nhưng ta đã dám làm, dám mở cửa, đẩy mạnh hội nhập. Áp lực thực hiện các cam kết quốc tế khi mở cửa hội nhập gắn liền với cải cách trong nước.
Phải nói là trong gần 40 năm đổi mới, va vấp rất nhiều nhưng không vì thế mà ta không kiên định mở cửa thị trường, mở rộng quyền tự do kinh doanh của người dân, kiên định ổn định kinh tế vĩ mô gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo một môi trường có thể tốt nhất cho sản xuất kinh doanh, cho đầu tư.
+ Như chúng ta vẫn nhận thấy, bên cạnh thành tựu vẫn còn những hạn chế. Vậy bên cạnh những tự hào thì có hay không những mong muốn vẫn chưa đạt được, thưa ông?
- Ông Võ Trí Thành:Không phải là mình đã có thể hoàn toàn hài lòng với những gì đã làm được, những gì đã đạt được. Vẫn có điều không hài lòng với chính mình và không hài lòng khi so sánh với sự phát triển của nhiều nước trong khu vực, và trên thế giới.
Tiến trình gần 40 năm đổi mới đã giúp bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam chuyển biến mạnh mẽ.
Chúng ta đã đến giai đoạn có tính bước ngoặt trong phát triển của Việt Nam thì bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường, cần xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập. Tiếp tục mở cửa hội nhập thì phải nghĩ nhiều hơn về cách thức, về mô hình tăng trưởng mới và cách thức phát triển mới.
Trước đây tăng trưởng dựa vào những lợi thế so sánh vốn có là lao động giá rẻ, là tài nguyên thiên nhiên và nhiều khi là dựa vào bơm tiền. Bây giờ phải dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, vào đổi mới sáng tạo, dựa vào công nghệ. Phải gắn với các tư duy mới về phát triển lấy con người làm trung tâm, không bỏ ai ở lại phía sau, phát triển bao trùm, bền vững, xanh, thúc đẩy sáng tạo…
Có thể nói chúng ta vừa đến một giai đoạn phải có bước ngoặt để chuyển đổi và đây là thời điểm rất quyết định.
+ Tại sao ta lại nói đây là thời điểm rất quyết định, thưa chuyên gia?
- Ông Võ Trí Thành:Đây gọi là thời cơ vàng, là thời điểm rất quyết định. Bởi không chỉ là áp lực từ quá khứ đòi hỏi tiếp tục có những thay đổi, mà phải thay đổi, phải chuyển đổi vì những xu hướng mới. Đó là kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số, là yêu cầu phát triển xanh, bao trùm, là sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng, dịch chuyển đầu tư và thương mại gắn với quá trình tái cấu trúc của cả kinh tế thế giới.
Và với cái xu hướng ấy tại sao người ta gọi là thời cơ vàng chưa từng có ở Việt Nam. Bởi vì trong những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây thì cách phát triển của Việt Nam chỉ có thể từng bước bắt kịp hay gọi là thu hẹp khoảng cách. Với những xu hướng mới, Việt Nam có cơ hội đi cùng và thậm chí trên một số khía cạnh mình còn có thể vượt lên. Ví dụ như cả thế giới bây giờ đang bắt đầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và ta cũng đang cùng chuyển đổi. Như vậy, ta đang bắt kịp đi cùng thời đại và đang có cơ hội để vượt lên, vươn lên. Thực sự là Việt Nam có lợi thế đi cùng những xu hướng mới này và tận dụng các cơ hội này.
Đây cũng là thời cơ chưa từng có. Nếu ta bỏ lỡ thời cơ bắt kịp xu thế lần này thì chắc Việt Nam sẽ không thể bắt kịp, không thể đi cùng, khó có thể vươn mình, khó có thể có được kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói.
+ Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Linh Chi (Thực hiện)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/sau-gan-40-nam-doi-moi-chung-ta-chuyen-minh-de-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post331150.html