Với mức giá 9.100 đồng/cp, cổ phiếu VRC ghi nhận đà tăng hơn 20% chỉ sau 1 tuần giao dịch.
Ngược thời gian, cổ phiếu VRC từng ghi nhận đà tăng vọt với 5 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 6/3/2024 đến ngày 12/3/2024 trong khi doanh nghiệp làm ăn sa sút.
Kết thúc năm 2023, VRC đạt doanh thu 3,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 197 triệu đồng, không đạt chỉ tiêu năm. Doanh thu tăng nhẹ so với năm trước còn lợi nhuận giảm mạnh so với số lãi gần 17 tỷ đồng của năm trước.
Trong khi đó, công ty có vay nợ tài chính ngắn hạn 316,3 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng 60% so với năm trước. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,25 lần. Hàng tồn kho hơn 1.176 tỷ đồng, tăng 116 tỷ đồng so với năm trước, nằm ở các dự án bất động sản dở dang mà công ty đang đầu tư.
Cổ phiếu VRC leo lên vùng giá cao nhất trong hơn 2 tháng qua.
Trở lại hiện tại, đà tăng của cổ phiếu VRC diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp đang chứng kiến làn sóng thoái vốn mạnh mẽ từ dàn lãnh đạo chủ chốt.
Mới đây nhất, ông Phan Văn Tướng, Thành viên HĐQT CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC thông báo đã bán toàn bộ hơn 7,32 triệu cổ phiếu VRC sở hữu, tỷ lệ 14,65% từ ngày 14/10 đến 28/10 theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, ông Tướng không còn nắm bất cứ cổ phiếu nào tại VRC.
Ông Từ Như Quỳnh, Chủ tịch HĐQT VRC cũng vừa thông báo đã bán hết 6,27 triệu cổ phiếu VRC đang sở hữu tại doanh nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân từ ngày 16-18/10. Giao dịch thành công đồng nghĩa với việc ông Quỳnh không còn nắm giữ cổ phần tại VRC.
Cùng thời điểm trên, một cổ đông lớn khác của VRC là ông Hoàng Toàn Quân cũng đã bán ra toàn bộ 2,9 triệu cổ phiếu VRC để giảm sở hữu về bằng 0. Ước tính ông Quân đã thu về gần 22 tỷ đồng từ giao dịch thoái vốn trên.
Một cổ đông lớn khác là Nguyễn Minh Hạnh cũng thoái hết 2,78 triệu cổ phiếu VRC (tỷ lệ 5,56% vốn) vào ngày 19/8, ước tính thu về hơn 23 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, cổ đông lớn Trần Thị Vân tiếp tục mua vào 1,6 triệu cổ phiếu VRC, tăng tỷ lệ nắm giữ lên 12 triệu đơn vị (tỷ lệ 24,17%) vào ngày 18/10. Trước đó, bà Vân liên tục có động thái gom mua cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn và tăng tỷ lệ sở hữu tại VRC. Sau làn sóng thoái vốn ồ ạt của lãnh đạo, bà Vân cũng đang là cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này.
Cùng với các động thái thoái vốn của lãnh đạo, VRC cũng ghi nhận nhiều thay đổi quan trọng về nhân sự. Cụ thể, công ty đã miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với bà Nguyễn Thị Minh Khiêm kể từ ngày 3/10/2024, đồng thời bổ nhiệm bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như vào vị trí này và trở thành người đại diện pháp luật mới của công ty.
Cũng trong ngày 3/10, VRC cũng đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT và Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Công ty của ông Nguyễn Quốc Phòng vì lý do cá nhân.
Được biết VRC đang triển khai nhiều dự án bất động sản trên "đất vàng" TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An. Chẳng hạn như dự án Khu dân cư P. Phú Thuận (quận 7, TPHCM), dự án Babylon Garden (quận 7, TPHCM), dự án tổ hợp khách sạn – chung cư cap cấp (TP Vũng Tàu). Quỹ đất triển khai dự án của VRC chủ yếu đến từ việc thâu tóm CTCP ADEC - công ty có nguồn gốc là doanh nghiệp nhà nước. VRC đã đầu tư vào doanh nghiệp này vào năm 2017 và sở hữu 60,06% vốn với giá trị đầu tư gần 320 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp bất động sản này ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt hơn 14 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 1 tỷ đồng, cải thiện so với mức lãi 355 triệu cùng kỳ.
Tại ngày 31/9/2024, quy mô tài sản của VRC là 1.730 tỷ đồng, chủ yếu là hàng tồn kho với 1.181 tỷ đồng (tương ứng 68%). Doanh nghiệp phân bổ vào dự án Khu dân cư Nhơn Đức, Phước Lộc - Nhà Bè (785 tỷ), dự án Khu dân cư ADC Phú Mỹ (366 tỷ) và dự án Khu dân cư Long An (30 tỷ).
Châu Anh