Sau năm 2025, giá nhập khẩu điện gió từ Lào giảm xuống còn 6,4 cent/kWh

Sau năm 2025, giá nhập khẩu điện gió từ Lào giảm xuống còn 6,4 cent/kWh
3 giờ trướcBài gốc
Bộ Công Thương vừa duyệt khung giá nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam từ 31/12/2025. Theo đó, mức giá tối đa với loại hình nhà máy thủy điện là 6,78 cent/kWh (tương đương 1.683 đồng/kWh theo tỉ giá hiện tại); mức giá tối đa với loại hình nhà máy điện gió là 6,4 cent/kWh (tương đương 1.589 đồng/kWh theo tỉ giá hiện tại).
Khung giá này được áp dụng với các nhà máy vận hành thương mại trong trong 5 năm, giai đoạn từ ngày 31/12/2025 – 31/12/2030.
Hiện nay một số dự án điện gió của Lào đang chờ được bán điện cho Việt Nam.
Trên cơ sở khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị phát điện đàm phán giá mua bán điện với nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và theo cơ chế thị trường, giá thị trường. Đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm tối đa chi phí phát điện, cạnh tranh so với giá điện Việt Nam, theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương cũng giao cho EVN có trách nhiệm theo dõi, kịp thời báo cáo bộ trong trường hợp biến động lớn về các thông số tính toán khung giá nhập khẩu điện từ Lào.
Hiện tại, giá điện mua từ Lào đến hết năm sau là 6,95 cent/kWh. Như vậy, so với hiện hành, giá mua sau năm 2025 thấp hơn 0,17-0,55 cent/kWh, tương đương 2,4-7,9%.
Việt Nam bắt đầu mua điện gió từ Lào từ năm 2016 theo thỏa thuận hợp tác liên Chính phủ hai nước. Điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam được chuyền tải qua đường dây 220 kV.
Thực thế, mức giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam thấp hơn đáng kể so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng cho người tiêu dùng trong nước, là 2.006,79 đồng, (tương ứng 8 cent/kWh theo tỉ giá hiện tại).
Mức giá này cũng cạnh tranh hơn so với các dự án điện gió trong nước vận hành trước 1/11/2021, dao động 8,5-9,8 cent/kWh, tùy loại trên đất liền hay biển. Còn so với các dự án chuyển tiếp đang áp theo khung giá điện của Bộ Công Thương 6,42-7,34 cent/kWh, điện nhập từ Lào cao hơn không nhiều.
Hiện nay một số dự án điện gió của Lào đang chờ được bán điện cho Việt Nam, điển hình là Nhà máy điện gió Trường Sơn 2 với công suất 350MW. Dự án sẽ được nhập khẩu trên cơ sở chuyển tiếp trên đường dây 220kV mạch kép điện gió Trường Sơn - Đô Lương.
Ngoài ra, Nhà máy điện gió Monsoon (600MW) cũng dự kiến bán điện cho Việt Nam, sẽ vận hành thương mại vào quý 2-2025. Hiện dự án đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ và Trạm cắt 220kV Đak Ooc đang xây dựng dự kiến hoàn thành quý VI/2024.
Sau khi hoàn thành đường dây này sẽ có nhiệm vụ truyền tải công suất Nhà máy điện gió Monsoon và các nguồn thủy điện từ Lào về Việt Nam.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, tỷ trọng nguồn điện gió nhập từ Lào chiếm khoảng 3% tổng quy mô công suất các nguồn điện của Việt Nam đến 2030.
Việc mua điện gió từ Lào cũng vấp phải tranh cãi, bởi các dự án điện gió trong nước hiện nay vẫn vướng cơ chế, thiếu đường truyền tải, dẫn tới vẫn “nằm yên”, chưa thể hòa lưới để chuyển ra Bắc. Việc nhập khẩu điện gió từ Lào có thể tốt về phương án kinh doanh song quan điểm tranh cãi cho rằng không có lợi về chiến lược, đặc biệt khi nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đang có nhiều vướng mắc, chưa được giải quyết triệt để.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia năng lượng, bên cạnh việc thực thi cam kết giữa hai chính phủ, thì việc giá điện nhập khẩu từ Lào cạnh tranh hơn nguồn điện gió sản xuất trong nước cũng là điều bình thường trong bối cảnh EVN đang bị lỗ. Mặt khác, xét về yếu tố thị trường điện canh tranh thì điều này là hoàn toàn hợp lý.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu điện gió từ Lào là nhằm phục vụ cho khu vực miền Bắc đang có nguy cơ thiếu điện, đồng thời hệ thống hạ tầng đường dây truyền tải từ Lào về Quảng Trị, Tương Dương, Đô Lương (Nghệ An) của Việt Nam đã được hoàn thiện, điều này cũng giúp đảm bảo cân đối tài chính của EVN cũng như đảm bảo vận hành hệ thống lưới điện an toàn, hiệu quả và tối ưu.
Liên quan đến các dự án điện gió ở Việt Nam chưa được huy động, đại diện EVN khẳng định: “Các dự án điện gió ở Việt Nam vẫn sẵn sàng được huy động phát điện nếu dự án đảm bảo đủ hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật và theo nhu cầu tiêu thụ điện của hệ thống”.
Ngoài ra, hiện tất cả các dự án điện gió đã và đang đầu tư trong nước đều chỉ tập trung tại miền Trung và Miền Nam, chưa có dự án điện gió nào được đầu tư tại miền Bắc trong khi nhu cầu cấp tăng cường điện cho miền Bắc là cấp thiết. Dự án mua điện gió từ Lào có mục tiêu tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc thông qua kết nối từ Lào qua tuyến đường dây 220kV Nậm Mô (Lào) - Tương Dương (Nghệ An) - 220kV Đô Lương (Nghệ An).
TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, cho rằng việc nhập khẩu điện từ các nước có chung đường biên giới như Trung Quốc và Lào là "bình thường, hàng năm vẫn nhập".
Bên cạnh lợi thế về địa lý, ông Lâm nhắc tới "nhiệm vụ chính trị" giữa Việt Nam và Lào, khi nhập khẩu điện thực hiện theo Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ từ 2016, quy mô công suất tối thiểu 1.000 MW vào 2020, tăng lên gấp 3 (3.000 MW) vào 2025 và đến 2030 khoảng 5.000 MW.
Ngoài Lào, Việt Nam còn nhập khẩu điện từ Trung Quốc (từ 2005), với sản lượng từ hai nước này khoảng 1-1,5% tổng nhu cầu dùng điện cả nước.
H.A
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/sau-nam-2025-gia-nhap-khau-dien-gio-tu-lao-giam-xuong-con-64-centkwh-94009.html