Sầu riêng 'lên ngôi vua' sau nhiều tháng bị thanh long, chuối vượt mặt

Sầu riêng 'lên ngôi vua' sau nhiều tháng bị thanh long, chuối vượt mặt
5 giờ trướcBài gốc
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit), tính sơ bộ tháng 7, xuất khẩu rau quả đạt hơn 731 triệu USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung, 7 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả sơ bộ ước đạt khoảng hơn 3,8 tỷ USD. Sự tăng trưởng này phần lớn nhờ vào sầu riêng - ngành hàng chủ lực của xuất khẩu rau quả - đã tháo gỡ được vướng mắc trong xuất khẩu.
Trong những tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng lao dốc bởi Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu. Các tiêu chuẩn về kiểm dịch, dư lượng chất cadmium, vàng O và truy xuất nguồn gốc được siết chặt đã khiến nhiều lô hàng không đạt chuẩn bị trả về, tạo ra sự đứt gãy trong chuỗi tiêu thụ.
Tuy nhiên kể từ giữa tháng 5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã chủ động triển khai đồng bộ một loạt giải pháp, cùng với sự vào cuộc của địa phương, doanh nghiệp và người dân, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đang từng bước được phục hồi, dần lấy lại đà tăng trưởng trở lại.
Sầu riêng đã giành lại vị trí dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu các loại rau quả.
Theo Bộ NN&MT, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 5.200 lô sầu riêng tươi với tổng sản lượng gần 130.000 tấn. Sầu riêng đông lạnh đạt kết quả đột phá khi xuất khẩu được 388 lô, tương đương hơn 14.280 tấn - tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, sầu riêng sau nhiều tháng “tụt hạng”, bị thanh long và chuối "vượt mặt" thì nay đã trở lại đường đua, giành lại vị trí dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu các loại rau quả, khẳng định giá trị không thể thay thế của loại trái cây vua này.
Xuất khẩu sầu riêng trong 5 tháng đầu năm thu về 386 triệu USD, trong khi thanh long chỉ mang về 263 triệu USD, chuối mang về 207 triệu USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký VINAFRUIT - nhận định, xuất khẩu sầu riêng khởi sắc trong gần 2 tháng qua là kết quả từ việc nhiều vùng trồng trọng điểm như miền Đông và Tây Nguyên kiểm soát tốt hàm lượng cadimi trong trái sầu riêng.
“Tỷ lệ hàng đạt chuẩn xuất khẩu đã tăng rõ rệt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thắt chặt hơn quy trình kiểm tra, thậm chí sàng lọc kỹ ngay tại vườn trước khi thu mua”, ông Nguyên nói.
Bên cạnh đó, sầu riêng đông lạnh ghi nhận mức tăng trưởng mạnh do nguồn cung từ Thái Lan bị gián đoạn, tạo dư địa lớn cho trái cây Việt Nam.
Ông Nguyên cho rằng nếu duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm có thể đạt khoảng 6 đến 6,5 tỷ USD.
Sau nhiều tháng “tụt hạng”, sầu riêng đã giành lại vị trí dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu các loại rau quả.
Theo Bộ NN&MT nhận định, xuất khẩu sầu riêng có thể phục hồi mạnh từ quý III năm nay, đặc biệt trong mùa vụ chính từ tháng 8 đến tháng 10. Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn phụ thuộc vào việc duy trì nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nếu tình trạng vi phạm vẫn tái diễn thì rủi ro xuất khẩu với ngành hàng này vẫn còn rất lớn.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam. Nhờ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), nước này đã cắt giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có trái cây tươi, tạo điều kiện thuận lợi để nông sản Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường đông dân nhất thế giới.
Nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội này, Bộ NN&MT sẽ tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, trọng tâm là nâng cao mức độ tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Bộ cũng sẽ theo sát tình hình thông quan, xuất nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, đặc biệt vào thời điểm thu hoạch chính vụ, tránh ùn ứ và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Thanh Huyền
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/sau-rieng-len-ngoi-vua-sau-nhieu-thang-bi-thanh-long-chuoi-vuot-mat-post1762491.tpo