Sầu riêng Việt Nam: Từ 'ngôi sao' xuất khẩu đến bài toán tái cấu trúc bền vững

Sầu riêng Việt Nam: Từ 'ngôi sao' xuất khẩu đến bài toán tái cấu trúc bền vững
13 giờ trướcBài gốc
Từng được ví như “ngôi sao sáng” trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, sầu riêng đang đứng trước ngã rẽ quan trọng, hoặc chuyển mình để thích ứng, hoặc tụt lại giữa dòng chảy cạnh tranh khốc liệt toàn cầu. Dù gặp không ít thách thức trong nửa đầu năm 2025 do sự siết chặt tiêu chuẩn từ thị trường quốc tế và áp lực từ các đối thủ trong khu vực, ngành hàng sầu riêng vẫn còn nhiều dư địa để vươn lên nếu có chiến lược bài bản và hành động đồng bộ.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - để nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng. Đồng thời, đưa ra những giải pháp giúp ngành sầu riêng Việt Nam tái thiết bền vững và bứt tốc trong thời gian tới.
- Thưa ông, đâu là những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu sầu riêng chững lại trong nửa đầu năm 2025, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc?
Ông Đặng Phúc Nguyên: Trước hết, Trung Quốc gia tăng rào cản kỹ thuật là yếu tố đầu tiên tác động tới sầu riêng Việt Nam. Họ yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt Cadmium, Vàng O, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng. Doanh nghiệp lo ngại rủi ro bị trả hàng, nên xuất khẩu sầu riêng bị chững lại. Bên cạnh đó, sự phát triển "nóng" về diện tích trồng từ 32.000 héc-ta (năm 2015) lên gần 180.000 héc-ta (năm 2024) không đi kèm hệ thống kiểm soát, xử lý sau thu hoạch, khiến nguồn cung lớn nhưng chất lượng không đồng đều.
Trong khi đó, Thái Lan nhanh chóng tái chiếm thị phần Trung Quốc, Campuchia gia nhập với lợi thế về lao động và chi phí thấp. Những yếu tố này khiến sầu riêng Việt Nam bị sụt giá và kim ngạch lao dốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam
- Hiệp hội đánh giá ra sao về việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường trong khi tại đây liên tục siết quy chuẩn?
Ông Đặng Phúc Nguyên: Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo. Trung Quốc chiếm đến 90% kim ngạch sầu riêng Việt Nam, nên chỉ cần thị trường này thay đổi quy định, cả chuỗi đứng lại. Việc Trung Quốc bắt buộc kiểm nghiệm 100% lô hàng Cadmium, Vàng O và truy xuất nguồn gốc khiến doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn. Tốc độ thông quan từ 2 ngày tăng lên hơn 7 ngày.
Trong năm tháng đầu năm 2025, kim ngạch sầu riêng sang Trung Quốc giảm tới 67%, ước tính thiệt hại lên tới 1,8 tỷ USD. Thậm chí, có doanh nghiệp làm giả hồ sơ, gian lận mã vùng trồng, khiến uy tín sầu riêng Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Việc "phát triển nóng" vùng trồng có đang là vấn đề cần cảnh báo không, thưa ông?
Ông Đặng Phúc Nguyên: Rõ ràng là có. Việc ồ ạt chuyển sang trồng sầu riêng thiếu quy hoạch, chưa đầu tư vào bảo quản, chế biến hay đa dạng hóa thị trường, dẫn đến dư cung. Từ đó, giá thu mua tại vườn rất thấp, chỉ còn từ 30.000 đến 50.000 đồng mỗi kg, chỉ bằng một phần ba so với năm trước. Điều này là hệ quả tất yếu khi tăng trưởng không đi kèm tổ chức sản xuất chuyên nghiệp và công nghệ hỗ trợ.
- Hiệp hội đã đề xuất những khuyến nghị gì với cơ quan quản lý nhà nước?
Ông Đặng Phúc Nguyên: Chúng tôi đề xuất nhiều khuyến nghị, cụ thể như: Cấp mã số vùng trồng nhanh, minh bạch, kiểm tra định kỳ. Xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa truy xuất nguồn gốc. Xử lý nghiêm doanh nghiệp gian lận, công khai danh tính vi phạm.
Chúng ta cần xem việc cấp mã số như "hộ chiếu" của sầu riêng. Hệ thống này phải đầy đủ, tin cậy và truy xuất được. Các địa phương cũng cần tăng cường trách nhiệm trong quản lý và hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp thực hiện đúng quy trình.
- Theo ông, chúng ta cần những đột phá gì để tăng tỷ lệ thông quan, mở "luồng xanh" xuất khẩu?
Từng được ví như “ngôi sao sáng” trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, sầu riêng đang đứng trước ngã rẽ quan trọng, hoặc chuyển mình để thích ứng, hoặc tụt lại giữa dòng chảy cạnh tranh khốc liệt toàn cầu
Ông Đặng Phúc Nguyên: Cần lập hệ thống xét nghiệm nhanh tại vùng trồng như Thái Lan. Họ có hàng trăm phòng thí nghiệm nhỏ kiểm tra Cadmium, Vàng O ngay trong vườn, thu phí từ nông dân. Vườn đạt chuẩn mới bán cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp lại xét nghiệm lần hai trước khi đưa ra cửa khẩu.
Chúng ta cũng nên xã hội hóa phòng thí nghiệm, cho doanh nghiệp tự trang bị và nhà nước giám sát. Có như vậy mới có thể đàm phán với Hải quan Trung Quốc để mở luồng xanh cho sầu riêng Việt Nam, rút ngắn thời gian thông quan còn hai đến ba ngày như Thái Lan.
- Ngoài Trung Quốc, đâu là những thị trường tiềm năng cho sầu riêng Việt Nam, thưa ông?
Ông Đặng Phúc Nguyên: Theo chúng tôi, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Úc đều tiềm năng. Nhất là sầu riêng đông lạnh, chế biến, rất phù hợp với các quốc gia phương Tây do dễ bảo quản, không bị mùi nặng. Các giống cao cấp như Musang King, Dona, Ri6 được ưa chuộng.
Ngoài ra, thị trường Ấn Độ cũng đang nổi lên như một điểm đến tiềm năng trong vài năm tới. Chúng ta nên đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ quốc tế, quảng bá sầu riêng Việt Nam như một sản phẩm chất lượng cao và thân thiện với môi trường.
- Hiệp hội có kiến nghị gì với các địa phương, đặc biệt là vùng Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long?
Ông Đặng Phúc Nguyên: Chúng tôi đề xuất về việc quy hoạch vùng trồng tập trung, tránh phát triển ồ ạt tự phát. Hỗ trợ nông dân tham gia hợp tác xã, liên kết chuỗi với doanh nghiệp. Tăng cường tập huấn kỹ thuật, sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn, ghi chép nhật ký canh tác. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có chứa Cadmium, Vàng O.
Nhà nước cần định hướng rõ vùng nào chuyên canh sầu riêng, vùng nào chỉ nên xen canh. Các địa phương cần xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP, gắn với truy xuất và kiểm soát chất lượng ngay từ đầu.
- Với tư cách là đại diện ngành hàng, ông muốn gửi thông điệp gì tới người nông dân, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách?
Ông Đặng Phúc Nguyên: Ngành sầu riêng Việt Nam đang đứng trước cơ hội "vàng" nhưng cũng đầy thách thức. Muốn phát triển bền vững, phải có sự đồng lòng từ ba trụ cột: Nông dân - doanh nghiệp - nhà nước.
Với người nông dân, cần chuyển tư duy sang sản xuất sạch, an toàn, theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Chủ động học hỏi, ghi chép canh tác, tham gia hợp tác xã.
Với doanh nghiệp, cần đầu tư công nghệ chế biến sâu, đa dạng sản phẩm (bột, kem, đông lạnh...). Tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Xây dựng thương hiệu mạnh, tối ưu logistics và kho lạnh.
Với nhà hoạch định chính sách, cần hoàn thiện khung pháp lý, siết chặt kiểm soát đầu vào, phòng chống gian lận. Ưu tiên chính sách tín dụng xanh cho nông dân, doanh nghiệp chế biến. Đẩy mạnh đàm phán song phương để mở rộng thị trường và luồng xanh xuất khẩu.
Hãy cùng nhau hành động vì một ngành sầu riêng Việt Nam phát triển thịnh vượng, an toàn và bền vững. Chúng ta có tiềm năng, có thị trường, có sản phẩm điều cần là sự hợp tác, kỷ luật và chiến lược dài hạn.
- Xin cảm ơn ông!
Tiến Phòng
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/sau-rieng-viet-nam-tu-ngoi-sao-xuat-khau-den-bai-toan-tai-cau-truc-ben-vung-409641.html