Sầu riêng Việt thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường tỷ dân

Sầu riêng Việt thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường tỷ dân
13 giờ trướcBài gốc
4 tháng, xuất khẩu rau quả thu về khoảng 1,6 tỷ USD
Theo báo cáo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit), tính tới ngày 21/4, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 453 triệu USD, giảm 5,3% so với tháng trước và giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm 2024. Ước sơ bộ 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 1,6 tỷ USD, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết quý I/2025, xuất khẩu sầu riêng chỉ thu về 98 triệu USD. Ảnh: Minh họa
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sụt giảm từ đầu năm đến nay đã kéo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giảm mạnh.
Theo đó, tính đến hết quý I/2025, xuất khẩu sầu riêng chỉ thu về 98 triệu USD, xếp thứ 3 trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu thanh long chiếm lại vị trí đứng đầu với kim ngạch đạt gần 155 triệu USD. Xếp ở vị trí thứ 2 là chuối với 128 triệu USD.
Về thị trường, tính đến hết quý I/2025, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt 521 triệu USD, giảm hơn 238 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, hiện nay Trung Quốc vẫn đang kiểm tra 100% các lô hàng sầu riêng từ Việt Nam, tương tự như với Thái Lan. Điều này dẫn đến tình trạng hàng hóa phải chờ lâu tại cửa khẩu, gây hư hỏng và xuống cấp chất lượng.
Sầu riêng thêm đối thủ cạnh tranh
Giữa tháng 4/2025, Campuchia và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật để xuất khẩu sầu riêng tươi từ Campuchia sang Trung Quốc. Như vậy, Campuchia là quốc gia thứ 5 ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, sau Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines.
Ngoài Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Campuchia, 2 quốc gia khác đang tiến rất gần đến việc hoàn tất thỏa thuận xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này. Cụ thể, Indoneisa với mặt hàng sầu riêng đông lạnh và Lào đang trong quá trình chuẩn bị tài liệu để mở cửa thị trường và đã được chấp thuận về nguyên tắc cho việc xuất khẩu.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, mùa sầu riêng Campuchia chủ yếu diễn ra từ tháng 5, tháng 6. Trong khi sầu riêng Việt Nam có quanh năm, trong đó, chính vụ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 11 và trái vụ tại khu vực miền Tây diễn ra từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Đây được cho là lợi thế của sầu riêng Việt.
Mặt khác, hiện Campuchia có tổng cộng 5.289 ha đất trồng sầu riêng, trong đó đã đưa vào sản xuất 3.403 ha, sản lượng hàng năm đạt 36.656 tấn.
Đối với diện tích trồng sầu riêng tại Việt Nam hiện đã trên 155 nghìn ha, với tổng sản lượng năm 2024 đã vượt 1,2 triệu tấn/năm. Như vậy, con số diện tích và sản lượng sầu riêng của Campuchia còn kém xa Việt Nam.
Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, do đó tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tác động tích cực lên toàn ngành.
Ông Đặng Phúc Nguyên cũng kỳ vọng giá trị xuất khẩu rau quả nói chung và sầu riêng nói riêng, của Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại trong quý II này. Riêng với mặt hàng sầu riêng, xuất khẩu dự báo sẽ tăng lên nhờ vào nguồn cung và nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
Dù vậy, theo ông Nguyên, điểm mới đáng chú ý, liên quan đến yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi Campuchia xuất khẩu sang thị trường này đó là lần đầu tiên Trung Quốc quy định cấm sử dụng bất kỳ chất phụ gia không ăn được nào trong quá trình đóng gói sầu riêng, với mục tiêu tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước.
Đây là một bước đi cho thấy Trung Quốc đang nâng cao hơn nữa các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng nông sản, thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt sau những sự cố liên quan đến dư lượng chất cấm được phát hiện trong một số lô hàng sầu riêng hồi đầu năm 2025.
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, các doanh nghiệp, người sản xuất phải chú trọng vào việc nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, tuyệt đối không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng theo quy định của nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, đơn vị xuất khẩu cần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Trung Quốc trong đó có việc tuân thủ nghiêm về quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, quy trình, nhật ký sản xuất...
Theo thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, hai tháng đầu năm nay, quốc gia này chi hơn 120 triệu USD để nhập khẩu 22.980 tấn sầu riêng nguyên quả, giảm mạnh 56,8% về lượng và giảm 57,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines là 4 nhà cung cấp sầu riêng chính cho thị trường Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam và Thái Lan, hai quốc gia còn lại chiếm thị phần chưa tới 1%.
Nguyễn Hạnh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/sau-rieng-viet-them-doi-thu-canh-tranh-tai-thi-truong-ty-dan-385832.html