Sau sáp nhập, Sở GD&ĐT được quyền tuyển dụng, điều động giáo viên các cấp

Sau sáp nhập, Sở GD&ĐT được quyền tuyển dụng, điều động giáo viên các cấp
3 giờ trướcBài gốc
Nội dung trên được Bộ GD&ĐT nêu trong công văn 1581 gửi UBND các tỉnh thành về đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các trường học khi thực hiện mô hình chính quyền mới, bỏ các đơn vị cấp huyện.
Theo đó, sau khi tổ chức, sắp xếp chính quyền các cấp, Sở GD&ĐT được phân cấp, phân quyền thực hiện các chức năng, nhiệm vụ sau liên quan quản lý giáo viên:
Sau sáp nhập, Sở GD&ĐT được quyền tuyển dụng, điều động giáo viên các cấp. (Ảnh minh họa)
- Tham mưu, trình UBND tỉnh, cấp có thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, biên chế công chức, tổng số người làm việc tại các trường công lập.
- Sở GD&ĐT thực hiện tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên các trường công lập.
- Sở cũng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng phát triển giáo viên các địa phương, các trường trên địa bàn tỉnh.
- Bảo đảm đủ biên chết công chức quản lý, đủ số người làm việc theo đề án UBND tỉnh đã phê duyệt. Đồng thời chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động, chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên, người lao động, học sinh.
- Sở GD&ĐT được quyền công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, thay đổi vị trí việc làm với hiệu trưởng, hiệu phó các trường.
- Sở có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin giáo viên, cán bộ quản lý vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và các cấp quản lý như UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT.
Trước đây, việc tuyển dụng giáo viên công lập thực hiện như tuyển dụng viên chức nói chung, do ngành Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh thực hiện.
Như vậy, trong thời gian tới chức năng tuyển dụng giáo viên các cấp được phân cấp, phân quyền mạnh hơn về cho Sở GD&ĐT các địa phương (riêng cấp mầm non do xã quyết định tuyển dụng). Đây có thể coi là một trong những quyết định đột phá của ngành Giáo dục, được kỳ vọng giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương và sử dụng đúng nhân tài cho các trường học.
Quyết định mới này cũng trùng khớp với nội dung dự án Luật Nhà giáo, đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 8 (tháng 10/2024) và Kỳ họp 9 tới đây.
Theo đó, thẩm quyền tuyển dụng giáo viên trong trường công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì hoặc phân cấp, ủy quyền cho cơ sở giáo dục.
Đối với trường được giao quyền tự chủ, hiệu trưởng được thực hiện việc tuyển dụng. Với trường ngoài công lập, việc tuyển dụng do nhà trường chủ trì theo quy chế tổ chức, hoạt động của trường.
Dự thảo cũng quy định, việc điều động, bố trí, bổ nhiệm nhà giáo, các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao.
GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, việc giao trách nhiệm, sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên cho Sở GD&ĐT các địa phương có thể giải quyết những khó khăn, hạn chế như: Đội ngũ giáo viên các cấp được giao hiện nay còn thiếu so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT; Cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp học tiểu học, THCS, THPT do thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới...
Để việc tuyển dụng thực sự hiệu quả trong thời gian tới, GS.TS Thái Văn Thành đề xuất Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh thành quy định nội dung, hình thức và các yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng riêng với giáo viên, để đảm bảo phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, giảm thiểu các yêu cầu về hành chính, công vụ, tăng cường các yêu cầu và đánh giá về năng lực sư phạm.
Minh Khôi
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/sau-sap-nhap-so-gd-dt-duoc-quyen-tuyen-dung-dieu-dong-giao-vien-cac-cap-ar939455.html