EVN đặt mục tiêu nộp ngân sách trên 23.000 tỉ đồng mỗi năm sau tái cơ cấu. Ảnh: EVN
Đây là nội dung nằm trong đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn đến hết năm 2025 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ký phê duyệt, TTXVN đưa tin.
Đề án đặt mục tiêu phát triển EVN thành một doanh nghiệp hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao, thông qua việc hiện đại hóa sản xuất kinh doanh, xây dựng đội ngũ nhân tài và đảm bảo cung cấp dịch vụ điện chất lượng cao.
Theo đó, EVN dự kiến có tăng trưởng doanh thu bình quân từ 7-10%/năm đến năm 2025, nộp ngân sách nhà nước trên 23.000 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó, tập đoàn này cam kết hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch 5 năm, cải thiện chất lượng dịch vụ, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Đề án cũng xác định lộ trình và các giải pháp để cơ cấu lại doanh nghiệp đến năm 2025. Trong đó, EVN sẽ tuân thủ các quy định, tập trung hoàn thiện hệ thống quản trị, nâng cao hiệu quả đầu tư và quản lý rủi ro, xử lý dứt điểm các dự án yếu kém, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để thích ứng với thị trường, EVN sẽ xây dựng kế hoạch tài chính linh hoạt, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Đồng thời, EVN sẽ nghiên cứu cơ chế giá bán buôn điện hợp lý, xây dựng phương án tách bạch chi phí phân phối và bán lẻ điện, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, theo kế hoạch, cấu trúc của EVN sẽ có một số thay đổi. Cụ thể, Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Các doanh nghiệp khác như Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc sẽ tiếp tục thuộc sở hữu của EVN. Riêng Công ty Nhiệt điện Thái Bình và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ được thành lập thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập.
Để hiện thực hóa mục tiêu cơ cấu lại, EVN sẽ tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai kế hoạch đã được phê duyệt. Tập đoàn sẽ đảm bảo đến cuối năm 2025, toàn bộ quá trình sắp xếp, cơ cấu lại sẽ hoàn thành theo đúng lộ trình.
Bình Dương