Sẽ có khu thương mại tự do thứ 2 ở Việt Nam

Sẽ có khu thương mại tự do thứ 2 ở Việt Nam
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 13-5, tiếp tục phiên làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết 35/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.
6 nhóm chính sách lớn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết dự thảo Nghị quyết quy định sáu nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể.
Bao gồm, quản lý đầu tư (2 chính sách); quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (4 chính sách); quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường (9 chính sách); quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP Hải Phòng quản lý (1 chính sách); thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do tại TP Hải Phòng (17 chính sách).
Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: QH
Trong đó, đáng chú ý là chính sách về thành lập Khu thương mại tự do (TMTD) tại TP Hải Phòng. Khu vực TMTD tại TP Hải Phòng là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khu TMTD Hải Phòng được tổ chức thành các khu chức năng gồm khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.
UBND TP Hải Phòng được phân cấp quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới Khu TMTD Hải Phòng gắn với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tương tự như khu công nghiệp.
Chính sách này tạo hành lang pháp lý cho Khu TMTD Hải Phòng để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, tạo thêm động lực phát triển mới các cơ chế, chính sách đột phá, giúp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho TP phát triển nhanh và bền vững.
Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng được thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc Khu TMTD Hải Phòng, có giải quyết trực tiếp các thủ tục về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho nhà đầu tư và cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động vào Khu TMTD Hải Phòng…
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận sáng 13-5. Ảnh: QH
Hỗ trợ không hoàn lại cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động KH-CN &ĐMST
Về nhóm chính sách về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, Chính phủ đề xuất ngân sách TP hỗ trợ không hoàn lại cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó có chi phí ươm tạo, phát triển dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo bao gồm chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án; chi phí thuê chuyên gia; tiền công lao động trực tiếp; dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…
Chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo bao gồm hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, phòng thí nghiệm, phòng thử nghiệm, trung tâm thử nghiệm kiểm định, giám định, khu làm việc chung; tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình mới…
Việc hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, HĐND TP quyết định các chương trình, dự án và hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; quy định tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng và chính sách hỗ trợ về chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú đối với các chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2025.
Theo Điều 13 của Nghị quyết, thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu.
Khu thương mại tự do là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao…
Về quản lý đầu tư, Chính phủ phân cấp, phân quyền cho UBND TP Hải Phòng trong chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỉ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng.
Chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động, linh hoạt, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các khu bến cảng theo quy hoạch được duyệt trong thời gian sớm nhất; sớm đưa các dự án vào vận hành khai thác; tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, HĐND TP được trao quyền quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do TP quản lý theo hiệu quả công việc.
“Mức tăng thêm không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo” – theo Chính phủ.
Trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi, cho hay cơ quan này tán thành với chủ trương miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, đề nghị bổ sung trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì thực hiện nộp thuế theo quy định tương ứng. Điều này nhằm bảo đảm thống nhất với chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: QH
Liên quan thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng, Ủy ban Kinh tế - Tài chính đánh giá việc này là cần thiết. Dù vậy, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà còn liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ một số nội dung, gồm tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền...; cơ chế quản lý rủi ro, cơ chế giám sát bảo đảm một mặt thông thoáng song giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế, trật tự xã hội…
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/se-co-khu-thuong-mai-tu-do-thu-2-o-viet-nam-post849428.html