Sẽ nhớ lắm những thị trấn

Sẽ nhớ lắm những thị trấn
9 giờ trướcBài gốc
Thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng) là một trong những thị trấn lâu đời, mang nhiều nét văn hóa riêng
Lưu luyến
Người dân sinh ra, lớn lên ở các huyện hẳn rất gắn bó với cái tên thị trấn. Thị trấn từ xưa đến nay luôn là niềm tự hào của người dân mỗi huyện. Nó vừa có nét hiện đại của đô thị phát triển vừa mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.
Ở Hải Dương hiện nay, mỗi huyện thường có một thị trấn. Chỉ cần nói "lên thị trấn đi chợ", "đi thị trấn đi" thì chẳng cần nói thêm địa danh mà ai cũng hiểu là đi đâu.
Bây giờ, thị trấn là đơn vị hành chính cùng cấp với xã, phường, trực thuộc cấp huyện, là trung tâm của huyện và là khu vực tập trung dân cư, chủ yếu phát triển thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp.
Thị trấn Cẩm Giang có đường tàu chạy qua là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nghệ sĩ
Sắp tới, khi cấp huyện dừng hoạt động và thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, những thị trấn sẽ không còn. Có lẽ, nhiều người sẽ nhớ lắm những thị trấn hôm nay.
Cẩm Giang (Cẩm Giàng) là một trong những thị trấn có nhiều nét văn hóa độc đáo ở Hải Dương. Chỉ riêng cái tên Cẩm Giang thường được dịch ra là dòng sông gấm của thị trấn này cũng mang nhiều câu chuyện lịch sử.
Cẩm Giang là thị trấn cổ của huyện Cẩm Giàng, có khoảng 400 năm nay. Ở thế kỷ XVIII, khi Uy Nam vương Trịnh Giang lên ngôi, để kiêng húy nên đọc chệch thành Cẩm Giàng. Năm 2019, căn cứ Nghị quyết số 788 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị trấn Cẩm Giang được thành lập sau khi sáp nhập với xã Kim Giang. Thị trấn Cẩm Giang lại trở về với cái tên đẹp đẽ vốn có của mình.
Thị trấn có đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua. Nơi ven đường tàu, nhà ga cũng là nguồn cảm hứng sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng, nhất là của nhà văn Thạch Lam.
Ông Trần Quang Thông (bên trái) sinh ra, lớn lên ở thị trấn Cẩm Giang lưu giữ nhiều tư liệu quý về thị trấn Cẩm Giang
Giờ đây, về với Cẩm Giang vẫn thấy nét cổ kính, xen lẫn hiện đại của một phố huyện xưa. Thị trấn nhỏ vẫn hiền hòa như thế.
Dự kiến, thị trấn Cẩm Giang sẽ được sáp nhập với các xã Định Sơn, Cẩm Hoàng thành xã mới. Khi thị trấn Cẩm Giang không còn là thị trấn, nhiều người nhớ và tiếc.
Ông Trần Quang Thông là một người sinh ra và lớn lên ở thị trấn, từng làm cán bộ văn hóa, lãnh đạo thị trấn. Ngôi nhà của ông ngày nay vẫn ở ven đường tàu chạy qua.
Ông là người đề xuất bộ tên đường độc đáo ở thị trấn Cẩm Giang với những cái tên ý nghĩa. Ông cũng là một người đam mê nghệ thuật đã rong ruổi chụp ảnh, sáng tác nhiều về thị trấn này. Trong nhà, ông Thông vẫn lưu giữ nhiều tư liệu quý của Cẩm Giang.
"Khi không còn thị trấn nữa, chúng tôi cũng tiếc cái địa danh, cái tên đã gắn bó hơn nửa cuộc đời mình. Chỉ mong rằng những giá trị văn hóa, lịch sử, những câu chuyện về Cẩm Giang sẽ không mất đi cùng cái tên của nó mà sẽ được các cấp chính quyền quan tâm gìn giữ để thế hệ sau lưu truyền, phát huy", ông Thông tâm sự.
Không chỉ Cẩm Giang, nhiều thị trấn ở Hải Dương cũng có những nét đẹp văn hóa rất đáng tự hào. Nhiều thị trấn trẻ còn đang trên đà xây dựng, phát triển mạnh mẽ.
Kỳ vọng xã, phường mai sau
Kẻ Sặt (Bình Giang) là một thị trấn có lịch sử phát triển lâu đời, ở vị trí địa lý đặc biệt
Dù có nuối tiếc nhưng nhiều người dân bày tỏ sự đồng thuận với phương án và sự cần thiết phải sắp xếp lại các xã, phường, thị trấn hiện nay.
Ở huyện Bình Giang, Kẻ Sặt là một thị trấn cổ rất đặc biệt. Nơi đây nằm ở ranh giới giữa nhiều huyện, tỉnh nên phát triển từ sớm.
Dự kiến, từ 1/7 này, thị trấn Kẻ Sặt sẽ sáp nhập với các xã Hùng Thắng, Vĩnh Hưng và một phần diện tích, dân số xã Vĩnh Hồng thành xã mới.
Ông Bùi Ngọc Bên ở thị trấn Kẻ Sặt tuy không sinh ra, lớn lên ở thị trấn Kẻ Sặt nhưng đã lên đây công tác, sinh sống, lấy vợ người thị trấn và cứ thế gắn bó với thị trấn suốt mấy chục năm qua.
Ông Bùi Ngọc Bên ở thị trấn Kẻ Sặt bày tỏ sự tiếc nuối khi không còn thị trấn và kỳ vọng ở địa danh mới, nơi này sẽ ngày càng phát triển
Nghe Bí thư chi bộ đọc phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được đưa ra lấy ý kiến, ông Bên gật đầu đồng tình. Ông cũng tiếc nhưng ông hiểu được sự cần thiết phải sắp xếp, sáp nhập xã, bỏ cấp huyện và không còn thị trấn trực thuộc huyện.
"Việc sắp xếp đơn vị hành chính là cần thiết. Thị trấn không còn nhưng người ta vẫn sẽ nhớ đến Kẻ Sặt qua bánh đa gấc Kẻ Sặt, bánh chả Kẻ Sặt... và cả con người Kẻ Sặt. Tôi chỉ kỳ vọng rằng thị trấn về với xã lớn sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Để làm được điều đó thì công tác cán bộ phải được quan tâm hàng đầu, có xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo để dù mất đi địa danh thị trấn nhưng người dân sẽ luôn phấn khởi, kỳ vọng ngày nơi này đổi thay, mang diện mạo mới", ông Bên chia sẻ.
Tại huyện Ninh Giang, thị trấn Ninh Giang được quy hoạch, phát triển làm trung tâm, là cửa ngõ kết nối với không gian kinh tế phía nam của tỉnh Hải Dương với TP Hải Phòng và tỉnh Thái Bình.
Đây là một đô thị đang trên đà phát triển mạnh mẽ, là trung tâm kinh tế, văn hóa của huyện. Thị trấn tới đây cũng sẽ sáp nhập với 3 xã khác.
Sau khi được sắp xếp, các thị trấn được kỳ vọng sẽ bước sang giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn. Trong ảnh: Thị trấn Ninh Giang nhìn từ trên cao
"Thị trấn Ninh Giang không chỉ thân thuộc với người Ninh Giang mà còn là điểm đến quen thuộc của nhiều người ở các huyện, tỉnh lân cận. Sau này dù có là gì đi chăng nữa, tôi vẫn mong Ninh Giang sẽ ngày càng phát triển, giàu đẹp", chị Nguyễn Thị Thùy ở thị trấn Ninh Giang cho biết.
Cũng như chị Thùy, đông đảo cán bộ, người dân kỳ vọng sau sắp xếp, các thị trấn không còn nhưng những giá trị, bản sắc vẫn còn đó và đà phát triển vẫn tiếp nối mạnh mẽ.
PHONG TUYẾT - THÀNH CHUNG - VĂN TUẤN
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/se-nho-lam-nhung-thi-tran-410121.html