Sẽ rút ngắn thời gian tiến hành tổng kiểm kê tài sản công

Sẽ rút ngắn thời gian tiến hành tổng kiểm kê tài sản công
18 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: BTC
Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã cùng với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các nhiệm vụ về tổng kiểm kê tài sản công theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: công tác chuẩn bị tổng kiểm kê; thực hiện kiểm đếm thực tế tài sản, nhập dữ liệu kết quả kiểm kê lên Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công.
Đến ngày 31/3/2025, công tác kiểm đếm thực tế đã được các bộ, ngành, địa phương hoàn tất và đưa dữ liệu lên Phần mềm tổng kiểm kê tài sản công.
Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý đã quy định cụ thể về thời hạn thực hiện tổng kiểm kê.
Cụ thể là: Hoàn thành việc tổng kiểm kê trước ngày 31/3/2025; Các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 15/6/2025; Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trước ngày 31/7/2025.
Ông Thịnh chia sẻ, đây chính là bước đầu quan trọng, là điều kiện cần để thực hiện thành công công tác tổng kiểm kê.
Đồng thời cho biết Đảng ủy Bộ Tài chính đã có báo cáo với Đảng ủy Chính phủ để báo cáo với Bộ Chính trị rút ngắn thời gian tiến hành tổng kiểm kê với tài sản công để phục vụ cho công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy của các địa phương thời gian tới.
“Tinh thần là trong tháng 4/2025, các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo chính thức về Bộ Tài chính. Đầu tháng 5/2025, Bộ Tài chính phải báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổng kiểm kê, tinh thần là rút ngắn, nếu kéo dài thời gian tổng kiểm kê sẽ không kịp cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo nhịp sắp tới”, Cục trưởng Cục Quản lý công sản nêu rõ.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Tân Thịnh, dữ liệu kiểm kê tài sản công của đợt tổng kiểm kê này sẽ được sử dụng để phục vụ nhiều mục tiêu khác nhau, đặc biệt là việc sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư và việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Hơn nữa, số liệu này cũng được sử dụng cho lâu dài, và sẽ là số liệu đầu kỳ để sau này các bộ, ngành, địa phương chỉ cần cập nhật, bổ sung, nên cần phải có sự chuẩn hóa chính xác nhất. Cũng như sử dụng để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các đơn vị sau này.
Tại Hội nghị, các bộ, ngành sau khi nghe hướng dẫn sẽ thực hành luôn để nhanh chóng nắm bắt, đảm bảo tiến độ thực hiện. Ảnh: BTC
Chỉ ra một số vướng mắc về số liệu cần rà soát, chuẩn hóa, ông Nguyễn Tân Thịnh cho hay, nếu nhìn tổng thể từng đơn vị của các bộ, ngành, địa phương và nhìn tổng thể của cả nước thì mới thấy vấn đề.
“Số liệu không chính xác sẽ dẫn tới tổng kết, đánh giá sai lệch, đưa ra định hướng sử dụng không chuẩn xác”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Vì thế, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị để hướng dẫn, tập huấn cách thức rà soát, kiểm tra dữ liệu tổng kiểm kê cho các cán bộ làm công tác tổng kiểm kê của bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính để triển khai thực hiện.
Hương Dịu
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/se-rut-ngan-thoi-gian-tien-hanh-tong-kiem-ke-tai-san-cong.html