Sẽ thông qua Nghị quyết về chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân vào ngày 17/5

Sẽ thông qua Nghị quyết về chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân vào ngày 17/5
5 giờ trướcBài gốc
Thảo luận tại phiên họp chiều 14/5 về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Sẽ có luật toàn diện về kinh tế tư nhân
Các thành viên cũng đánh giá cao sự nỗ lực, khẩn trương của Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo trong một thời gian ngắn với khối lượng nội dung rất lớn.
Nêu rõ dự thảo Nghị quyết được hoàn thành chỉ 10 ngày sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Bộ Tài chính, với sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã làm việc tích cực để kịp tiến độ thông qua Nghị quyết vào cuối tuần này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, sẽ cố gắng để vào khoảng 11h thứ 7, ngày 17/5 thông qua Nghị quyết với 7 chương, 7 điều. Đây là một nghị quyết ngắn gọn, với những đột phá rất mới trong phát triển kinh tế tư nhân.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, việc ban hành Nghị quyết chỉ là bước đầu. Tiến tới năm 2026 sẽ xây dựng Luật về kinh tế tư nhân một cách toàn diện hơn. Ngoài ra, khi tiến hành sửa đổi một loạt các Luật trong Kỳ họp tới, những nội dung liên quan đến kinh tế tư nhân sẽ được sửa đổi, bổ sung để đưa vào các Luật về hình sự, dân sự, hành chính, thanh tra, thuế, khoa học công nghệ…
Về các hiệp định, cam kết quốc tế, phải rà soát xem có vướng gì với các điều ước quốc tế, các luật trước đó. Cần thay đổi tư duy, Nhà nước kiến tạo thay vì kiểm soát, tư duy điều hành cần chuyển sang kiến tạo và phục vụ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Để dự thảo được hoàn thiện trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan rà soát các nội dung về hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước, nước ngoài.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện các chính sách là rất quan trọng. Các chính sách về hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tiền thuê đất cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ tài chính tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách miễn thuế cho doanh nghiệp… đều đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn để thực hiện. Những nội dung này cần được quan tâm trong sửa Luật Ngân sách nhà nước tới đây.
Đồng thời, phải rà soát các đối tượng thụ hưởng chính sách để đảm bảo khả thi trong thực tiễn. Rút kinh nghiệm từ một số chính sách trước đây, như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đạt kết quả rất thấp, không đi vào cuộc sống. Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tiêu chí đối tượng cho vay chưa rõ ràng, tâm lý e ngại công tác thanh tra kiểm tra…, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chỉ lựa chọn những vấn đề làm được ngay, đã chín, đã rõ
Chia sẻ với cơ quan soạn thảo về khối lượng công việc rất lớn phải hoàn thành trong thời gian gấp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCNMT) Lê Quang Huy cho rằng, nên ưu tiên trước mắt chỉ xử lý một số vấn đề, không nên có tham vọng giải quyết tất cả trong một Nghị quyết. Theo lộ trình, đến năm 2026, các chính sách sẽ được thể chế hóa đầy đủ.
Từ kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 193 của Quốc hội, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho rằng chỉ nên lựa chọn những vấn đề thực hiện được ngay, đã chín, đã rõ, không cần hướng dẫn nhiều, phát huy hiệu quả ngay lập tức. Tuy nhiên, theo ông, vẫn còn những nội dung phải hướng dẫn rất nhiều.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm UBKHCNMT cũng băn khoăn rằng, chủ trương của chúng ta là khơi thông, tháo gỡ, song liệu có cơ chế gì để giám sát, xác định được vị trí cân bằng, điểm dừng trong các vấn đề cụ thể. Nếu mở ra hết thì đâu là điểm dừng, và cần có quy định tránh rủi ro cho những người triển khai các quy định như vậy. “Mở hết mà không có chế định ràng buộc thì phải cân nhắc, cần có những quy định để hài hòa và cân bằng”, Chủ nhiệm Lê Quang Huy đặt vấn đề.
Giải trình làm rõ thêm tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho hay, việc lựa chọn nội dung nào đưa vào Nghị quyết là vấn đề rất khó. Đối với các quy định liên quan đến trách nhiệm hình sự, dân sự, thanh tra, kiểm tra… mà như đại biểu nói là chưa cụ thể hóa hơn Nghị quyết 68-NQ/TW, Phó Thủ tướng cho biết đây là những chủ trương lớn, cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ. Nếu không đưa vào thì không thể hiện hết tầm của Nghị quyết của Quốc hội.
“Dù chưa thể cụ thể ngay được, nhưng đó là thông điệp của Quốc hội, là định hướng cho việc triển khai, sửa đổi các luật tiếp theo”, Phó Thủ tướng giải thích.
Tài liệu gửi đại biểu Quốc hội ngay trong đêm
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, UBTVQH đánh giá cao sự phối hợp giữa Ủy ban Kinh tế và Tài chính với Bộ Tài chính, đã chủ động, từ sớm, từ xa, để hoàn thiện dự thảo.
UBTVQH thống nhất hồ sơ đủ điều kiện để trình Quốc hội. Tuy nhiên, trước khi trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp, ý kiến của cơ quan thẩm tra, hoàn thiện lại dự thảo ngay trong tối nay, gửi đến các đại biểu Quốc hội trong đêm nay qua app thông tin của Quốc hội.
Hoàng Yến
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/se-thong-qua-nghi-quyet-ve-chinh-sach-dac-biet-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-vao-ngay-175-176469.html