Hội thảo dự kiến diễn ra ngày 22.4 tại Khách sạn Pullman Hải Phòng (số 12 Trần Phú).
Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nghiệp đầu tư trên cả nước. Hội thảo cũng đã nhận được 20 bài tham luận về các chủ đề liên quan, được biên tập, thiết kế thành Kỷ yếu hội thảo, tập trung vào 3 nhóm nội dung chính. Gồm: cơ sở khoa học, lý luận về phát triển du lịch đường thủy và kinh nghiệm trong nước, quốc tế; thực trạng tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch đường thủy Hải Phòng; các giải pháp khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đường thủy Hải Phòng.
Hình ảnh mô phỏng Dự án bến du thuyền Vũ Yên do Vingroup đầu tư tại Hải Phòng. Ảnh: ITN
Tại khuôn khổ sự kiện, buổi sáng ngày 22.4, các đại biểu, một số doanh nghiệp... sẽ khảo sát tuyến du lịch cảnh quan dọc Sông Cấm - Sông Đá Bạc (Bạch Đằng Giang) - Sông Ruột Lợn; các bến: Cảng Hồng Bàng - Cảng Hoàng Diệu - Bến du thuyền Vũ Yên - Bến Bạch Đằng Giang - Cảng Cá Mắt Rồng - Cảng Hồng Bàng. Cuộc khảo sát với mục đích đánh giá các điểm nổi bật của tuyến cảnh quan hành lang sông, sông - biển, địa điểm dự kiến xây dựng các bến tàu đón trả khách, các điểm tham quan trải nghiệm, điểm check in cho du khách, đánh giá mức độ hấp dẫn, an toàn cho du khách…
Buổi chiều sẽ diễn ra Hội thảo “Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng: Cơ sở khoa học, định hướng và giải pháp” với 120 đại biểu. Trong đó có: đại diện lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh; một số chuyên gia kinh tế, du lịch, nhà khoa học có kinh nghiệm; đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà đầu tư quan tâm đến phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng…
Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, mật độ sông lớn nhất Miền Bắc, sông bao quanh từng khu phố, từng xóm làng. Bởi vậy Hải Phòng được gọi là thành phố của những dòng sông, thành phố của những cây cầu. Những dòng sông này không chỉ mang theo nhiều giá trị văn hóa - lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Những dòng sông ở Hải Phòng từ lâu đã trở thành những “chứng nhân” của lịch sử. Từ ngàn xưa, nữ tướng Lê Chân đã lựa chọn vùng đất bồi màu mỡ ven bờ sông Cấm để khai hoang lập trang An Biên, tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay. Bạch Đằng Giang là dòng sông huyền thoại, linh thiêng và hào hùng vào bậc nhất Việt Nam, nơi gắn liền với 3 trận đại chiến lừng lẫy. “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu” (Khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng). Sông Cấm là biểu tượng của sự hòa quyện giữa quá khứ, hiện tại và tương lai xán lạn của thành phố. Ba hành lang cảnh quan sông: sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc sẽ là hành lang phát triển kinh tế, dịch vụ, đồng thời cũng là trọng điểm của phát triển du lịch đường sông Hải Phòng.
Với điều kiện thuận lợi về sông ngòi như vậy, tuy nhiên, hiện Hải Phòng chưa có tour du lịch đường sông mà mới chỉ có vận tải khách bằng đường sông và một số hoạt động du lịch mang tính tự phát.
Nguyên nhân chính cản trở sự phát triển du lịch đường sông của thành phố do hạ tầng giao thông đường thủy chưa phát triển - rào cản lớn nhất đối với phát triển du lịch đường sông; chưa có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch đường sông đồng bộ; cảnh quan sông để phát triển du lịch chưa được đầu tư đúng mức; chưa có hệ thống chiếu sáng nghệ thuật ven sông, còn nhiều rác, bèo trên sông, cảnh quan ven sông đôi chỗ còn nhếch nhác, bụi bẩn; chưa phát triển các điểm trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng, sinh thái, vui chơi giải trí ven sông…
Chính vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo này để nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển du lịch đường thủy tại thành phố Hải Phòng.
Kim Thu