Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal, Senegal là cửa ngõ thương mại quan trọng tại khu vực Tây Phi, với Cảng biển Dakar giữ vai trò trung chuyển hàng hóa chủ lực cho các quốc gia không giáp biển trong tiểu vùng.
Nhờ việc đưa vào khai thác các mỏ dầu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và cải cách kinh tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Senegal năm 2025 có thể đạt tới 8,4%, mức cao nhất tại châu Phi.
Senegal là nước tiêu thụ gạo lớn thứ 3 châu Phi sau Nigeria và Côte d’Ivoire
Dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) và Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Senegal đạt 107,46 triệu USD, tăng trưởng 52,4% so với năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đạt 37,8 triệu USD, tập trung vào các nhóm hàng nông sản và thực phẩm; chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Senegal 69,66 triệu USD, chủ yếu là hạt điều thô (chiếm 60,77 triệu USD), cùng các mặt hàng như bột cá, hải sản, hạt có dầu, trái cây và bông.
Đáng chú ý, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đã đạt 43,43 triệu USD, gần bằng cả năm 2024 (43,91 triệu USD). Các mặt hàng chủ lực bao gồm: gạo (25,67 triệu USD), hạt tiêu (6,8 triệu USD), rau quả (1,7 triệu USD), cùng các sản phẩm khác như bánh kẹo, linh kiện ô tô - xe máy, thủy sản…
Tham tán thương mại Hoàng Đức Nhuận cho biết Senegal là nước tiêu thụ gạo lớn thứ ba tại châu Phi, sau Nigeria và Côte d’Ivoire. Nhu cầu nhập khẩu hàng năm dao động từ 800.000 đến 1 triệu tấn, với hơn 90% là gạo 100% tấm. Gạo thơm Việt Nam đã xuất hiện rộng rãi tại các siêu thị Senegal, đóng gói trong bao bì 5kg và 25kg, với giá trung bình khoảng 1,3 USD/kg.
Ngoài gạo, các doanh nghiệp Senegal còn quan tâm mạnh mẽ đến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như: gia vị, cà phê, trà, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, bao bì, thiết bị học tập... Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều tại Senegal đang tìm kiếm nguồn cung các sản phẩm khô như bánh tráng, bún, phở, nước mắm… nhằm phục vụ hệ thống nhà hàng châu Á đang phát triển tại nước này.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Senegal mong muốn tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng chủ lực như hạt điều thô, bông, hải sản, bột cá phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi...
Không chỉ dừng lại ở hoạt động thương mại, các doanh nghiệp Senegal đánh giá cao năng lực sản xuất, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đối tác trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là sản xuất - chế biến hàng hóa tại Senegal nhằm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực. Mục tiêu là tận dụng hiệu quả các cơ hội mà Hiệp định Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) mang lại.
Tuy nhiên, một số thách thức vẫn tồn tại trong quá trình giao thương, bao gồm vấn đề tin tưởng trong thanh toán quốc tế, sự phụ thuộc vào trung gian trong xuất khẩu hạt điều sang Việt Nam, cũng như các rào cản về thủ tục thị thực.
Ông Mbaye Chimère Ndiaye - Tổng Thư ký Phòng Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp và Nông nghiệp Thủ đô Dakar kiến nghị hai nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư.
Việc thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Senegal cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và khai thác tiềm năng của cả hai bên.
Tham tán thương mại Hoàng Đức Nhuận cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế như Vietnam Expo, Vietnam International Sourcing Expo, Vietnam Food Expo tại Việt Nam hoặc Hội chợ Quốc tế Dakar tại Senegal.
Cuối cùng, hai bên cần đẩy mạnh phối hợp trong việc chia sẻ thông tin thị trường, giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ xác minh năng lực đối tác và tư vấn xử lý tranh chấp thương mại khi cần thiết, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Senegal phát triển bền vững trong thời gian tới.
Hùng Nguyễn