Siết chặt quản lý đất đai, trật tự xây dựng trong thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính

Siết chặt quản lý đất đai, trật tự xây dựng trong thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính
4 giờ trướcBài gốc
Cơ quan chức năng cưỡng chế, tháo dỡ phần công trình vi phạm tại Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống của gia đình ông Vương Hồng Sển (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh THẾ ANH)
Một số vi phạm mới phát sinh
Những ngày này, Tổ công tác đặc biệt của Ủy ban nhân dân xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) phải bố trí lực lượng tuần tra để ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển, đổ trộm rác thải, phế thải xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, sau đó san gạt, dựng công trình trái phép.
Để phòng ngừa các hành vi vi phạm, Ủy ban nhân dân xã đã lập chốt bảo vệ, dựng hàng rào tôn và kiên quyết tạm giữ các phương tiện như xe tải, xe ba bánh tự chế vận chuyển trái phép rác thải, phế thải xây dựng, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu người vi phạm khôi phục hiện trạng ban đầu. Nhưng nhiều hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý, sử dụng đất nông nghiệp vẫn cho thuê, cho mượn đất trái phép để trục lợi. Nhiều vi phạm được xử lý kịp thời, nhưng vẫn còn không ít trường hợp cố tình lợi dụng thời gian đêm tối, hoặc ngày lễ, ngày nghỉ để thực hiện hành vi vi phạm.
Tình hình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng cũng diễn biến phức tạp tại địa bàn các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Thanh Oai, Hoài Đức, Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội)… Phần lớn là các vi phạm trên đất nông nghiệp đã được giao cho người dân quản lý, sử dụng; hoặc trên cả khu vực đất công. Thậm chí, tại xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất), hành vi chiếm đất, khai thác đất trái phép ngang nhiên diễn ra giữa ban ngày. Khi lực lượng chức năng phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm còn bị đối tượng vi phạm cản trở, chống đối.
Ở một số nơi, hành vi vi phạm đất đai, trật tự xây dựng còn có sự tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa.
Ở một số nơi, hành vi vi phạm đất đai, trật tự xây dựng còn có sự tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa. Tháng 3/2025, sáu cán bộ phường Thanh Trì và cán bộ quản lý trật tự xây dựng quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã bị lực lượng chức năng tạm giữ hình sự vì để xảy ra công trình xây dựng sai phép trên địa bàn phường Thanh Trì.
Là đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa nhanh, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là tại khu vực ngoại thành. Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm trước, mỗi năm, thành phố có hàng nghìn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được phát hiện và xử lý.
Năm 2017, các cơ quan chức năng phát hiện 2.856 công trình, năm 2018 là 2.419 công trình. Sau gần sáu năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/ TU, ngày 25/7/2019 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, các vi phạm đã giảm rõ rệt. Từ năm 2019 đến hết tháng 3/2025, tổng số công trình vi phạm xây dựng trên địa bàn là hơn 3.000 công trình. So với trước thời điểm Chỉ thị số 23 được ban hành, các vụ vi phạm giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, vẫn còn những vụ nổi cộm cần xử lý dứt điểm. Như cuối tháng 3/2025, Ủy ban nhân dân Phường 14, quận Bình Thạnh đã phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện cưỡng chế, buộc tháo dỡ các phần kiến trúc vi phạm đối với Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống của gia đình ông Vương Hồng Sển (ở số 11 đường Nguyễn Thiện Thuật).
Trong nhiều năm qua, một số người không phải con cháu của gia đình ông Vương Hồng Sển đã tự ý lấn chiếm, xây dựng trái phép trong khu di tích này. Tổ cưỡng chế đã tháo dỡ toàn bộ diện tích vi phạm xây dựng, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, đồng thời rào chắn cố định, niêm phong khu vực cưỡng chế nhằm bảo đảm các hộ không quay lại tái lấn chiếm.
Không để khoảng trống trong quản lý đất đai
Trước tình hình vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng trong thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính, cấp ủy, chính quyền các thành phố đều tăng cường chỉ đạo siết chặt công tác quản lý trong lĩnh vực này.
Tại hội nghị giao ban quý I/2025 giữa Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã bàn về các giải pháp tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, bình thường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đã là vấn đề “nóng”, trong thời điểm này lại càng “nóng” hơn. Thành phố yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phải thể hiện trách nhiệm cao nhất, không để xảy ra tình trạng “tranh tối tranh sáng” hay khoảng trống quản lý ở lĩnh vực này. Việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này không chỉ là thước đo năng lực lãnh đạo, ý thức trách nhiệm và danh dự của tập thể, cá nhân ở địa phương và của cả thành phố, mà còn là căn cứ để thành phố đánh giá cán bộ, qua đó, thực hiện việc sắp xếp, luân chuyển, điều động cán bộ trong thời gian tới.
Tại các quận, huyện, thị xã của Hà Nội, nhiệm vụ này đang được tăng cường. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường cho biết, Huyện ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý ngay các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng khi mới phát hiện, tuyệt đối không để vi phạm mới phát sinh; đồng thời, tiếp tục xử lý triệt để các vi phạm tồn đọng.
Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý đất đai, trật tự xây dựng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện; có biện pháp kịp thời, kiên quyết ngăn chặn, không để phát sinh vi phạm; khắc phục tình trạng ngại khó, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Tại quận Hoàng Mai, ngay sau vụ việc sáu cán bộ bị tạm giữ hình sự, Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận đã làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan; đề ra các giải pháp để ngăn chặn các vi phạm có thể xảy ra. Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận thành lập thêm các đoàn công tác độc lập để kiểm tra đột xuất địa bàn và kiểm tra ngay khi có phản ánh của nhân dân, các cơ quan báo chí, phản ánh trên ứng dụng iHanoi (công dân thủ đô số, nền tảng trực tuyến giúp người dân và doanh nghiệp tương tác với chính quyền thành phố); xử lý nghiêm cán bộ, công chức liên quan nếu trên địa bàn xảy ra vi phạm mà không xử lý kịp thời.
Các quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng nhiều giải pháp quản lý để ngăn chặn các trường hợp vi phạm xây dựng. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Quận 7 đã đề nghị các cơ quan chức năng, phòng công chứng ngừng các giao dịch, chuyển nhượng đối với các trường hợp vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện và có quyết định cưỡng chế, nhưng các cá nhân, tổ chức không thực hiện, hợp tác.
Quận Bình Thạnh triển khai ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” trên thiết bị di động giúp người dân có thể gửi các phản ánh, kiến nghị trên nhiều lĩnh vực nếu phát hiện có sai phạm, trong đó có cả sai phạm về trật tự xây dựng. Thành phố Thủ Đức có diện tích 211 km2, dân số đông gần một triệu người, công tác quản lý vi phạm trật tự xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Để bảo đảm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đạt hiệu quả, địa phương đã lắp đặt hệ thống camera thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đồng thời tích hợp với thiết bị không người lái để tăng cường khả năng giám sát, phát hiện các vi phạm trật tự đô thị cũng như nhiều vấn đề khác trong đời sống.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các đơn vị chức năng của Sở tăng cường các công tác tuần tra, giám sát, nắm bắt địa bàn để phát hiện sớm các vi phạm về trật tự xây dựng để xử lý kịp thời. Thông qua các ứng dụng công nghệ hiện đại, Sở Xây dựng đề nghị người dân cùng tham gia công tác đấu tranh hành vi vi phạm về trật tự đô thị; tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nâng cao công tác giám sát, phản ánh các trường hợp vi phạm, bao che của cán bộ địa phương.
Hương Sơn-Toản Quý
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/siet-chat-quan-ly-dat-dai-trat-tu-xay-dung-trong-thoi-diem-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-post873981.html